Cấp bách hồi sinh ‘sông chết’ ở thủ đô

Nhiều năm nay, sông Lừ được gọi với cái tên “dòng sông chết” và dù đứng xa dòng sông hàng trăm mét nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc.

Chú thích ảnh
Màu nước đen đặc là cảnh thường thấy ở sông Lừ. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức trong tháng 11/2023 cho thấy dù đã qua nhiều lần cải tạo và không ít giải pháp khắc phục nhưng mức độ ô nhiễm của sông Lừ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Với những người dân sống gần sông Lừ, chưa bao giờ họ hết ám ảnh trước lòng sông sánh đen, bốc mùi hôi thối quanh năm. Để sống chung với ô nhiễm, nhiều hộ dân đã phải ứng phó bằng cách đóng cửa kín mít, hoặc sơ tán sang nhà người thân ở nơi khác, đặc biệt là vào mùa hè và lúc trở gió.

Nhưng ở Hà Nội đâu chỉ có sông Lừ. Danh sách “những dòng sông chết” còn có sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét và sông Nhuệ. Các dòng sông này đều chịu một lượng xả thải lớn từ các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dần trở thành ao tù chứa nước thải. Cộng thêm tác động từ biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan nắng nhiều mưa ít, một số con sông gần như không có dòng chảy, mùa khô chỉ còn vài chục cm nước. Màu đen vì thế càng thêm quánh đặc và mùi hôi thối cũng trở nên nồng nặc hơn.

Tình trạng ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn thủ đô không phải bây giờ mới được đề cập. Những dòng sông trong nội đô nêu trên từng tạo nên tuyến giao thông đường thuỷ, cảnh quan mặt nước hấp dẫn trong quá trình phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là đến nay chúng chủ yếu tồn tại với chức năng “thoát nước thải” và dòng chảy chỉ "sống" lại một thời gian ngắn sau khi có những trận mưa lớn.

Câu chuyện giải cứu “những dòng sông chết” ở Hà Nội cũng được bàn không ít lần, cả trong hội thảo lẫn trên diễn đàn của Hội đồng Nhân dân thành phố, thậm chí là ở Quốc hội. Nhiều đề án, dự án đã, đang được tiến hành với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư. Ví dụ: đối với sông Tô Lịch, bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước cho con sông này. Từ đó đến nay, nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên sông Tô Lịch như tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao... Và người ta từng nói tới viễn cảnh một ngày nào đó sông Tô Lịch sẽ trở thành "công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh".

Tuy nhiên, với việc mỗi ngày phải tiếp nhận hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp qua hàng trăm ống xả thải trực tiếp, tới nay, nước sông Tô Lịch vẫn chưa thể chuyển màu từ đen sang xanh. Và khi mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước chưa hoàn thành, viễn cảnh sông Tô Lịch trở thành công viên vẫn cứ xa vời. Câu chuyện khá tương tự cũng xảy ra với sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Nhuệ. Kết quả mang lại khó có thể nói là khả quan khi người dân nơi đây vẫn kêu trời và phải “sống mòn” cùng ô nhiễm.

Chú thích ảnh
Một khúc sông Tô Lịch nơi có bè thuỷ sinh, nước vẫn chưa thể chuyển màu xanh. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Nói tới sông là đề cập đến dòng chảy, tạo ra bên lở, bên bồi. Khi sông không còn dòng chảy nghĩa là “sông chết”. Đồng thời, chỉ khi có dòng chảy, cơ chế tự làm sạch tự nhiên của sông mới được kích hoạt. Việc khơi thông, nạo vét chính là nhằm tạo thuận lợi cho dòng chảy, nhưng chưa đủ. Các con sông nội đô thường xuyên thiếu nước, cho nên, để thúc đẩy dòng chảy cần phải cấp nước bổ sung cho sông. Chênh lệch độ cao giữa sông Hồng bao quanh Hà Nội và các con sông nội đô có thể gây khó khăn cho việc đưa nước từ sông Hồng vào các con sông nội đô, nhưng với trình độ công nghệ hiện nay, vấn đề đó có thể giải quyết được bằng cách thiết lập các trạm bơm lớn hoặc kết nối các con sông nội đô với các hồ lớn như hồ Tây. Vấn đề là phải có nguồn vốn đủ lớn và thực hiện trong thời gian dài, cho nên, có thể cân nhắc đưa việc xử lý ô nhiễm các con sông ở Hà Nội nói riêng và trên toàn quốc nói chung vào chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường.

Sông có dòng chảy, nhưng nếu vẫn còn hiện tượng xả thải trực tiếp vào lòng sông, tình trạng ô nhiễm sẽ vẫn tồn tại dai dẳng. Vì thế cần phải kiểm soát, xử lý nguồn nước thải trước khi đổ vào sông. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải xử lý nước thải hợp chuẩn mới được xả thải ra môi trường, nếu không sẽ bị phạt nặng, buộc phải di dời ra ngoại thành. Còn đối với người dân, nên chăng xây dựng những trạm xử lý nước thải nhỏ tuỳ theo khu vực dân cư vì việc thu gom nước thải sinh hoạt về khu tập trung là khá khó khăn và phức tạp, hơn nữa ở nội đô, khó có thể tìm được một diện tích đủ rộng để xây dựng khu xử lý nước thải lớn.

Hiện nay, người dân sống gần các con sông ô nhiễm ở Hà Nội hằng ngày vẫn bị tra tấn bởi mùi hôi thối. Trong khi đó, nhiều ý tưởng, công nghệ, biện pháp đã được áp dụng, thử nghiệm để hồi sinh những dòng sông chết ấy, đều chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Thậm chí, một số dòng sông còn ô nhiễm trầm trọng hơn khiến người dân không thể không bức xúc. Các đại biểu cũng chất vấn nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội. Điều này cho thấy ô nhiễm môi trường tại các con sông ở Hà Nội đã trở thành vấn đề “đại sự”, cần phải cấp bách giải quyết.

Hà Ngọc/Báo Tin tức
Vá lỗ hổng, chặn ‘quan tài bay’
Vá lỗ hổng, chặn ‘quan tài bay’

Trong 9 tháng, nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu 246 lần; trong 1 tháng, nhà xe Việt Thắng vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần... Nhưng hằng ngày, xe của họ vẫn vun vút trên đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN