“Chưa thành tài, đã sinh tật”

Tuần qua, việc hai tuyển thủ U21 Việt Nam là Văn Thuận và Văn Công vi phạm kỷ luật bỏ đội, vui chơi quá giờ quy định tại một quán bar ở TP Phan Rang (Ninh Thuận) đã gây sự chú ý đối với người hâm mộ. Điều đáng nói, khi xuất hiện ở quán bar, hai cầu thủ này mặc nguyên đồng phục đội tuyển, cặp kè với “chân dài”. Theo thông tin mới nhất, án kỷ luật dành cho 2 cầu thủ nói trên chỉ là "khiển trách", mặc dù trước đó HLV trưởng Đinh Văn Dũng khẳng định với giới truyền thông rằng: “Sẽ xử lý nặng để giữ gìn kỷ luật của đội bóng”.


Hành vi của các cầu thủ Văn Thuận và Văn Công không thể nói là không nghiêm trọng, ở chỗ, hành vi đó bắt đầu gây ảnh hưởng xấu ra bên ngoài sân cỏ, hay nói cách khác nó đã gây ảnh xấu đến đời sống xã hội. Sự việc trên nếu như tiếp tục được xuê xoa, thì vết trượt đạo đức của cầu thủ sẽ thật khó lường. Nếu những vi phạm không được kịp thời ngăn chặn, chắc chắn nó không chỉ làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến cả một tập thể, và hơn thế là làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam


Thật ra, chuyện cầu thủ chọn thú tiêu khiển ở quán bar, vũ trường không còn xa lạ với bóng Việt Nam. Bất cứ ai cũng hiểu rằng, quán bar là nơi nhạy cảm và với giới “quần đùi áo số”, đã có không ít người đã phải “đứt gánh giữa đường” chỉ vì “ham” quán bar. Cách đây vài mùa bóng, rất nhiều cầu thủ trẻ của SLNA cũng từng bị CLB này kỷ luật vì vui chơi quá giờ quy định tại quán bar. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Sỹ Mạnh từng bị công an bắt quả tang khi cùng một nhóm cầu thủ sử dụng thuốc lắc tại một vũ trường ở TP Hồ Chí Minh...

Còn nhớ, những năm 1995-1998, SLNA có tiền vệ cực kỳ xuất sắc là Phan Thanh Tuấn. Khi được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, chỉ được vài ngày, cầu thủ này đã nằng nặc xin về. Sau này người ta mới phát hiện ra Thanh Tuấn là “bồ ruột” của một quán bar và bị nhiễm chất gây nghiện tại đây. Danh sách các “đàn em” bước theo vết xe đổ của Thanh Tuấn cũng không phải là ít. Cách đây chưa lâu, tại quán bar Phương Đông (Thành phố Đà Nẵng), do mâu thuẫn cá nhân, thủ môn Ngọc Thế của đội tuyển Đà Nẵng đã bị đâm trọng thương, sau đó phải giải nghệ.


Chuyện quán bar cũng từng gây những rắc rối cho danh thủ Phạm Văn Quyến. Trong lần tập trung đội tuyển tham dự Tiger Cup 2004, Văn Quyến bị HLV Tavares loại khỏi đội tuyển chỉ vì cầu thủ xứ Nghệ vật vờ ở vũ trường New C… tới 2 giờ sáng. Một cầu thủ xứ Nghệ khác là Phan Thanh Hoàn cũng từng trốn nơi đội tuyển tập trung và đi “lắc” thâu đêm, tới mức cạn kiệt cả sức lực đành phải giải nghệ sớm. Chưa hết, bài học của cầu thủ Xuân Thành, một tiền vệ tài năng của LG.HN ACB đã bị Công an Hà Nội bắt quả tang khi tàng trữ 10 viên thuốc lắc tại một vũ trường lớn ở Hà Nội vào năm 2007.


Nhiều người tiếc, đa số cầu thủ vi phạm tuổi còn rất trẻ, tương lai còn dài, vậy mà họ sớm làm mất đi danh tiếng và sự nghiệp đi vào ngõ cụt. Rõ ràng, việc cầu thủ vô kỷ luật, sa đà ở các quán bar, vũ trường không chỉ là bài học xương máu mà các cầu thủ trẻ cần phải khắc ghi; mà còn là vấn đề cần được lưu tâm trong công tác quản lý đào tạo cầu thủ trẻ ở cả cấp CLB và đội tuyển quốc gia.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN