Hà Nội phát huy thế mạnh đất trăm nghề

Hiếm có một địa phương nào có số lượng làng nghề truyền thống nhiều như Hà Nội, với 42/57 làng nghề truyền thống. Vì vậy, khi đến thăm một địa phương, mọi người đều có nhu cầu muốn mua một sản phẩm đặc trưng mang về làm lưu niệm. Quan trọng hơn cả là giải quyết việc làm tại chỗ cho cư dân nông thôn đảm bảo đời sống tại địa phương.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm OCOP tại điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Ảnh tư liệu: Phương Anh/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, đầu năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương đã thống nhất có 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao; trong đó, Hà Nội có “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức; “Gốm men Suối Ngọc” của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh. Tính đến nay, Hà Nội đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao. Là các sản phẩm OCOP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận đạt 5 sao và là địa phương có số lượng sản phẩm 5 sao tốp đầu cả nước. 

Trong đó, có 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh; 1 sản phẩm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức và 1 sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh. Sản phẩm OCOP không như các sản phẩm được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn, với công nghệ hiện đại, mà là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương, nên đặc sắc, có giá trị cao, ông Nguyễn Văn Chí đánh giá.

Năm 2020, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao. Đó là “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen”. Các sản phẩm OCOP 5 sao này có sự kết hợp giữa thủ công và công nghệ. Thủ công ở việc tạo hình các họa tiết, làm nên tính độc đáo và tính thẩm mỹ cao.

Trong mỗi sản phẩm, doanh nghiệp đều khéo léo truyền tải nét văn hóa của người Việt, như hình tượng hoa sen, rồng phượng, chim én... Để mỗi sản phẩm đạt đến sự hoàn mỹ, bên cạnh làm thủ công, công ty sử dụng máy móc để tạo hình, kiểm soát chất lượng, giúp sản phẩm có độ mịn, an toàn cao, không cong vênh, nứt mẻ…

Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết, sản phẩm được đánh giá, phân hạng 5 sao là vinh dự lớn, để doanh nghiệp củng cố, phát triển thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước… Hơn 80% sản phẩm gốm sứ Quang Vinh được dành xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đến cả các thị trường khó tính nhất, như: Đức, Mỹ, Nhật, Đan Mạch...

Đồng quan điểm này, ông Trần Đức Tân, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh cho biết, Bộ sản phẩm "gốm men suối ngọc” được đánh giá, công nhận OCOP 5 sao là vinh dự lớn đối với Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh và là chủ thể hợp tác xã duy nhất có sản phẩm đạt 5 sao. Hiện đơn vị có 20 thành viên, là những nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Mỗi thành viên của hợp tác xã lại chuyên về một dòng sản phẩm khác nhau nên có nhiều tiềm năng để phát triển.

Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, sản phẩm ra đời là kết tinh của nhiều tâm huyết, mày mò thử nghiệm. Sinh ra và lớn lên ở “quê hương dâu tằm” Phùng Xá, từ nhỏ bà Thuận đã gắn bó với nong tằm, cái kén. Đầu những năm 2010, khi ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, bà Thuận đã nảy ra ý tưởng để cho tằm tự dệt chăn tơ.

Nghĩ là làm, nhưng bà cũng gặp nhiều khó khăn vì tằm nhả tơ một cách tự nhiên theo bản năng. Lúc đó, bà lại phải tự tay bắt tằm, kiên trì sắp xếp chúng vào đúng vị trí. Vì buộc phải nhả tơ khi đến kỳ, nên tằm đã nhả tơ theo vị trí được định trước. Vậy là hàng ngàn, hàng vạn con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng, rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ để dệt thành những tấm chăn bông tơ tằm bền đẹp. Khi tằm hết chu kỳ nhả tơ cũng là lúc tấm chăn hoàn thành...

Chú thích ảnh
Các sản phẩm gốm sứ được trưng bày tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh tư liệu: Phương Anh/TTXVN

Với tiềm năng thế mạnh vùng đất “trăm nghề” Hà Tây hợp nhất với Hà Nội giúp Thủ đô có tổng số làng nghề chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm. 

Để phát huy lợi thế này, thành phố Hà Nội sẽ triển khai xây dựng tối thiểu 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp thành phố theo đúng quy định, phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia. Ngoài ra, thành phố sẽ thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra của Chương trình OCOP đến năm 2025 của thành phố và trung ương.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu này, UBND thành phố triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, căn cứ Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm được trung ương ban hành; Hội đồng OCOP thành phố sẽ tiến hành rà soát hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng theo quy định; tổng hợp, trình UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thành phố; trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đối với những sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Nam Giang (TTXVN)
Hà Nội: Rà soát, đề xuất đưa 29 làng nghề ra khỏi danh sách làng nghề truyền thống
Hà Nội: Rà soát, đề xuất đưa 29 làng nghề ra khỏi danh sách làng nghề truyền thống

Theo Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã đưa ra danh sách 29 làng nghề đã bị mai một, cần rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh sách công nhận danh hiệu "làng nghề, làng nghề truyền thống" của UBND thành phố Hà Nội. Lộ trình thực hiện đến hết năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN