Hà Nội: Thông qua Nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chiều 4/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Theo đó, nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội.

Chú thích ảnh
Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tăng năng suất lao động theo tiêu chí xây dựng NTM ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh (tư liệu): TTXVN

Cụ thể là hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; chính sách khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Chính sách thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp gồm: Hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ mua máy cấy, thiết bị bay không người lái phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa; hỗ trợ kinh phí cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Chính sách chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản gồm: Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thủy sản tại vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. 

Ngoài ra, nghị quyết còn quy định các nhóm chính sách khuyến khích như: Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp; chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách trên địa bàn thành phố là khoảng 1.124 tỷ đồng/năm. Trong đó ngân sách thành phố là 315,3 tỷ đồng/năm; ngân sách cấp huyện 43,8 tỷ đồng/năm; nguồn kinh phí đối ứng từ tổ chức, cá nhân 764,9 tỷ đồng/năm. Hằng năm, thành phố và các quận, huyện, thị xã có thể bố trí tăng thêm kinh phí hỗ trợ tùy khả năng cân đối ngân sách để thực hiện chính sách.

Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 3 Nghị quyết về mức thu học phí năm học 2023-2024. Cụ thể, Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2023-2024 quy định mức thu học phí năm học này bằng mức sàn của khung học phí theo quy định của Chính phủ.

Trong đó, vùng thành thị (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường và thị trấn) mức thu 4 cấp là 300 nghìn đồng/học sinh/tháng; nông thôn (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã, trừ các xã miền núi) mức thu 3 cấp là 100 nghìn đồng/học sinh/tháng, cấp Trung học Phổ thông là 200 nghìn đồng/học sinh/tháng; vùng dân tộc thiểu số và miền núi (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn xã miền núi) mức thu 3 cấp là 50 nghìn đồng/học sinh/tháng, cấp Trung học Phổ thông là 100 nghìn đồng/học sinh/tháng. Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức thu trên.

Nghị quyết Quy định về mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2023-2024 quy định, mức trần học phí học trực tiếp với trường Mầm non là 5,1 triệu đồng/học sinh/tháng; trường Tiểu học là 5,9 triệu đồng/học sinh/tháng; trường Trung học Cơ sở là 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng và trường Trung học Phổ thông là 6,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức thu trên.

Trên cơ sở mức trần học phí, thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và kết quả kiểm định để quyết định mức thu học phí cụ thể (tỷ lệ tăng học phí không quá 7,5%) sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý.

Trong khi đó, Nghị quyết quy định về giá dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên của thành phố Hà Nội năm học 2023-2024 quy định: Trẻ em mầm non là 12,4 triệu đồng/học sinh/năm; học sinh Tiểu học là 7,5 triệu đồng/học sinh/năm; học sinh Trung học Cơ sở là 9,45 triệu đồng/học sinh/năm; học sinh Trung học Phổ thông là 9,6 triệu đồng/học sinh/năm; học sinh Trung học Phổ thông hệ chuyên là 25,55 triệu đồng/học sinh/năm; học sinh phổ thông dân tộc nội trú là 24,6 triệu đồng/học sinh/năm; học sinh khuyết tật hòa nhập tại các cơ sở giáo dục là 27,25 triệu đồng/học sinh/năm.

Nguyễn Thắng (TTXVN)
Thêm trụ đỡ cho nông dân phát triển nông nghiệp hiện đại
Thêm trụ đỡ cho nông dân phát triển nông nghiệp hiện đại

Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là xu thế tất yếu được tỉnh Thái Bình xác định trong nhiều năm qua nhằm hướng đến nền nông nghiệp giá trị cao, phát triển bền vững. Từ đó, tư duy làm nông nghiệp của những người nông dân mới trên quê lúa đã có sự thay đổi rõ rệt với đội ngũ những nông dân có khát vọng, ý chí làm giàu từ chính ruộng đồng quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN