Sớm giải quyết bất cập trong quản lý hệ thống chiếu sáng

Hệ thống chiếu sáng công cộng là một trong những công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị quan trọng phục vụ mục đích công cộng, đảm bảo trật tự an ninh và an toàn cho người dân. Mặc dù thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cho chiếu sáng, tuy nhiên ở lĩnh vực này vẫn còn có những bất cập cần tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH Một thành viên chiếu sáng và Thiết bị đô thị thay thế, sửa chữa hệ thống chiếu sáng đô thị. Ảnh: TTXVN phát

Phát sinh thủ tục trong quản lý

Hà Nội là một đô thị có quy mô hệ thống chiếu sáng công cộng lớn thứ hai cả nước, với tuyến chiếu sáng dài hơn 5.300 km trên địa bàn 30 quận huyện, hơn 212.000 bộ đèn các loại, hơn 2.700 tủ điều khiển chiếu sáng. Từ đầu năm 2023, hệ thống chiếu sáng công cộng thuộc những tuyến phố có tên tại 12 quận nội thành được thành phố giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội quản lý. Còn đối với chiếu sáng ngõ xóm tại các địa bàn kể trên, được giao cho UBND các quận quản lý.

Với việc phân chia trên, phát sinh một số vấn đề trong quản lý, vận hành và đầu tư hệ thống chiếu sáng của thành phố. Cơ quan chủ quản phải “bóc tách” đâu là hệ thống tủ điện, đường dây, cột do cấp thành phố và đâu là thuộc về cấp quận quản lý. Việc này cũng phát sinh rất nhiều thủ tục và thời gian; thậm chí là cả nguồn lực tài chính để phân định cho rõ ràng.

Trong khi đó, công trình chiếu sáng công cộng là một công trình mang tính hệ thống cao, các tuyến chiếu sáng phát triển theo sơ đồ xương cá. Theo đó, cáp cấp nguồn cho đèn ngoài đường phố (do Sở Xây dựng quản lý) rẽ nhánh vào các ngõ, ngách, hẻm (do quận quản lý) và được cấp nguồn từ cùng một tủ điều khiển, được điều khiển từ trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng toàn thành phố (do Sở Xây dựng quản lý).Vì vậy việc phân tách theo địa giới hành chính nêu trên rất khó thực hiện trên thực tế và làm phát sinh nhiều chi phí cho các chủ đầu tư, làm lãng phí ngân sách Nhà nước.

Chưa hết, đối với cấp quận, khi được giao quản lý hệ thống chiếu sáng ngõ xóm cũng gặp không ít băn khoăn. Đó là đội ngũ cán bộ có đào tạo chuyên sâu về quản lý chiếu sáng lại rất hạn chế. Dẫn đến, khi được giao quản lý mảng hậ tầng kỹ thuật này nhiều quận tỏ ra không khỏi lúng túng, thiếu sự “nhuần nhị”, chuyên nghiệp.

Tại quận Long Biên (Hà Nội), hệ thống chiếu sáng ngõ xóm được UBND quận này giao cho Trung tâm phát triển Quỹ đất quản lý và đầu tư. Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên chia sẻ, việc quản lý các dự án đầu tư, sửa chữa thay thế thiết bị chiếu sáng thì không khó đối với đội ngũ cán bộ của quận. Tuy nhiên, sau đầu tư là câu chuyện quản lý vận hành, duy trì quận lại không có chuyên môn và thiếu nhân lực. Vì thế, Trung tâm phát triển Quỹ đất thay mặt UBND quận ký hợp đồng với một đơn vị có tư cách pháp nhân và năng lực, kinh nghiệm chuyên môn phù hợp để thực hiện vận hành hệ thống.

Tương tự quận Tây Hồ cũng không tự vận hành hệ thống chiếu sáng mà chỉ đầu tư các hạng mục liên quan đến việc này, sau đó thuê đơn vị quản lý, vận hành.Việc đưa hệ thống chiếu sáng ngõ xóm về cấp quận đã tạo thêm tầng nấc, đầu mối, rườm rà trong quản lý. Hà Nội là đô thị hiện đại bậc nhất cả nước. Việc có hệ thống chiếu sáng hiện đại, thông minh, tiết kiệm điện đang được thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện.

Cần có “nhạc trưởng”

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, tại Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 11/8/2023 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo do UBND thành phố Hà Nội ban hành, có nêu, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, thành phố phấn đấu mỗi năm tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho từng khu vực tiêu dùng, sử dụng điện. Đồng thời, thành phố phấn đấu giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện đến năm 2025% đạt từ 3,5% trở xuống. Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện trên địa bàn thành phố ít nhất 3% đến năm 2025.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH Một thành viên chiếu sáng và Thiết bị đô thị thay thế, sửa chữa hệ thống chiếu sáng đô thị. Ảnh: TTXVN phát

Để đạt được những nội dung nêu trên, thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 có 50% số tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED (loại đèn tiết kiệm điện - pv).

Mục tiêu trên là hoàn toàn phù hợp với xu hướng tương lai của thành phố khi đặt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh theo chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, để thực hiện thay thế đèn LED hướng tới tiết kiệm điện điện, điều hành hệ thống chiếu sáng thông minh như định hướng thì nhiều quận, huyện bày tỏ những băn khoăn. 

Theo phân trần của một lãnh đạo UBND quận dấu tên, địa phương không có bộ phận chuyên môn về công nghệ mới, nhất là hệ thống chiếu sáng công cộng, vì tính chất đặc thù. Trường hợp, quận có đầu tư cho hệ thống chiếu sáng thông minh, về ngân sách không có gì đáng ngại nhưng để lựa chọn công nghệ, thiết bị sao cho chuẩn, quận không biết "bám víu" vào đâu để đáp ứng tiêu chí thông minh. Nếu trong quá trình đầu tư mà chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía các cơ quan chức năng chuyên ngành của thành phố, rất có thể gây thất thoát tài sản của Nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp.

Với đặc thù kỹ thuật của hệ thống chiếu sáng công cộng, trên cơ sở xem xét đánh giá các vấn đề thuận lợi, khó khăn trong việc phân cấp quản lý, lãnh đạo một số quận kiến nghị, thành phố chỉ phân cho quận đầu tư, sửa chữa, xây mới hệ thống chiếu sáng, còn việc quản lý thì nên quy về một mối như trước đây.

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, thành phố cũng cần phân công đơn vị chức năng làm "nhạc trưởng" kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác đầu tư và chất lượng công trình xây dựng, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, đưa hệ thống chiếu sáng công cộng kém chất lượng vào vận hành. Đơn vị chức năng của thành phố là Sở Xây dựng cũng cần tham mưu, hướng dẫn cho các quận, huyện trong việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật, thiết bị phù hợp đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống.

Bên cạnh đó, để đảm bảo khả năng điều khiển, giám sát tập trung hệ thống chiếu sáng công cộng trên phạm vi toàn thành phố, hướng tới một đô thị thông minh, thành phố nên quản lý tập trung vận hành, duy tu hệ thống chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường thuộc thành phố quản lý, đặc biệt trên địa bàn 12 quận nội thành bao gồm cả chiếu sáng ngõ xóm.

Việc quản lý tập trung này nhằm nâng cao chất lượng vận hành, duy tu thông qua việc lựa chọn các nhà thầu có uy tín, năng lực kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào, có tính cam kết cao để kịp thời sửa chữa, thay thế, khắc phục sự cố lưới điện đảm bảo tỷ lệ bóng sáng luôn ở mức cao theo yêu cầu của thành phố.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Vườn hoa Lê Trực: Tăng diện tích cây xanh, ứng dụng chiếu sáng thông minh
Vườn hoa Lê Trực: Tăng diện tích cây xanh, ứng dụng chiếu sáng thông minh

Ngày 10/8, quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức cắt băng khánh thành và gắn biển vườn hoa Lê Trực, phường Điện Biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN