Chỉ huy trại tập trung tàn bạo nhất thời Đức Quốc xã – Kỳ cuối

Tại trại tập trung Płaszów, Amon Goeth đã có môi trường hoàn hảo để thể hiện sự tàn ác thú tính khiến ai cũng kinh hãi.

Kỳ cuối: Kẻ khát máu ở Lublin

Chú thích ảnh
Trại tập trung ở Płaszów do Đức Quốc xã dựng lên vào năm 1942. Ảnh: historydefined

Goeth được giới thiệu với Odilo Globocnik thông qua cấp trên Schmelt. Globocnik chính là người xây dựng Chiến dịch Reinhard ở Ba Lan từ sớm. Reinhard là tên gọi quân sự của chiến dịch diệt chủng Holocaust.

Goeth là một trong 450 người thuộc lực lượng vũ trang đặc biệt SS được tuyển chọn kỹ càng để giúp thực hiện chiến dịch diệt chủng Holocaust ở Ba Lan. Từ năm 1942 đến năm 1943, hắn là thân tín đáng tin cậy của Globocnik, được giao nhiệm vụ thực hiện những việc tàn bạo nhất.

Hồ sơ tại SS của hắn vẫn chưa rõ ràng do tính chất bí mật của Chiến dịch Reinhard, nhưng lời kể của các nhân chứng đã xâu chuỗi lại các sự kiện và hành động của Goeth trong giai đoạn sáu tháng này.

Goeth đã tổ chức trục xuất người Do Thái trong vùng. Hắn đảm bảo rằng các nhà máy do lao động nô lệ vận hành hoạt động hiệu quả. Hắn cũng được Globocnik cho quyền tự do tiếp cận cả ba trại tử thần đang hoạt động vào thời điểm đó. Cá nhân Goeth cũng yêu cầu họ báo cáo tình trạng của từng người cho văn phòng của mình.

Ngoài ra, có tin đồn rằng Goeth đã góp phần trong phát triển công nghệ buồng hơi ngạt để các buồng này trở nên nguy hiểm hơn và hiệu quả hơn. Vì các tội ác kiểu này, hắn có biệt danh là “con chó khát máu ở Lublin”.

Do những bất đồng giữa Goeth và một trong những người đồng cấp của Globocnik, Goeth đã rời bỏ vị trí này để làm một vị trí mới.

Đó là quét sạch khu ổ chuột Kraków và đưa những người sống sót đến một trại lao động nô lệ mới. 

Chú thích ảnh
Amon Goeth thư giãn tại biệt thự ở trại tập trung Płaszów. Ảnh: historydefined

Người ta tập trung rất nhiều vào sự tàn bạo của Goeth trong thời kỳ hắn chỉ huy trại Płaszów. Nhưng cần phải nhớ rằng ba trong số năm cáo buộc hình sự nhằm vào hắn sau chiến tranh liên quan đến hành vi bóc lột, trục xuất và sát hại hàng chục nghìn người Do Thái ở các khu ổ chuột Kraków và Tarnów cùng với quá trình giải tán trại lao động Szebnie.

Nói về quyền chỉ huy của hắn ở trại Płaszów, bộ phim Schindler's List chỉ miêu tả một phần sự tàn bạo. Đạo diễn Stephen Spielberg cảm thấy hầu hết những gì Goeth đã làm đều quá kinh tởm, đến mức không thể đưa lên màn ảnh rộng.

Sau khi Goeth xử lý xong khu ổ chuột Kraków, những người Do Thái còn sống sót sẽ bị gom lại, bị bắt làm lao động nô lệ tại Płaszów. Giờ đây, với toàn quyền kiểm soát và ít bị giám sát, Płaszów trở thành bãi săn người để Goeth thực hiện những hành vi tàn bạo.

Goeth đã thuê nhiều tù nhân khác nhau thực hiện nhiệm vụ cho mình. Ví dụ, hắn có một thư ký riêng, hai người giúp việc, một người trông chuồng ngựa, một số người khuân vác và người hầu. Tất cả đều sống sót nhờ Oskar Schindler. Chính nhờ những cá nhân này mà sự sa đọa, tàn bạo thực sự của Goeth đã được cả thế giới biết đến. Theo họ, cứ giữa hai bữa ăn là kiểu gì Goeth cũng phải giết một ai đó.

Goeth thường đi lang thang trong trại cùng với hai con chó săn lớn tên là Rolf và Ralf để tìm kiếm những tù nhân đang lẩn trốn hoặc làm việc chưa đủ chăm chỉ theo ý hắn. Một dấu hiệu nhận biết cuộc đi săn người sắp bắt đầu là khi hắn đội chiếc mũ đi săn, lúc đó các tù nhân sẽ sợ hãi bỏ chạy.

Chú thích ảnh
Con chó Rolf của Amon Goeth (trái) và một con chó khác. Ảnh: U.S. Army Archives

Goeth đã huấn luyện hai con chó này để chúng tra tấn tù nhân theo lệnh. Trong một số trường hợp, hai con chó của Goeth đã cắn chết tù nhân hoặc táp thịt trên cơ thể tù nhân. Những cảnh này đã không có trong bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg nhưng đã được nhiều người sống sót chứng thực là đúng.

Khi Goeth nghi rằng hai con chó thích chơi với người huấn luyện Do Thái thì hắn đã giết luôn người huấn luyện.

Ngoài việc sử dụng chó săn để xé xác tù nhân, Goeth còn bắn ngẫu nhiên tù nhân theo ý muốn. Hắn không bao giờ đưa ra bất kỳ lý do nào khi bắn họ. Hắn thường đi đến các doanh trại hoặc xưởng một cách ngẫu nhiên, lôi mọi người ra ngoài và giết họ bằng súng. Hắn cũng bắn tù nhân từ biệt thự của mình, nơi được gọi là Ngôi nhà Xám. Hắn cũng ra lệnh cho lính canh giết người một cách ngẫu nhiên. Có lần, Goeth đã cho lính canh người Ukraine giết tới 50 tù nhân ngay tại chỗ.

Ngoài việc bắn người một cách bừa bãi, Goeth còn là người thích trừng phạt thể xác. Đánh đòn là chuyện xảy ra hàng ngày trong trại. Các tù nhân thường xuyên bị đánh từ 50 đến 100 roi nếu vi phạm điều gì đó.

Những chiếc roi mà Goeth và lính canh sử dụng được thiết kế đặc biệt, có các ổ bi ở hai đầu để gây sát thương tối đa.

Goeth cũng thích các hình phạt tập thể. Một người sống sót ước tính rằng ít nhất 500 và có thể có tới 2.000 tù nhân đã bị hành quyết vì cố trốn thoát hoặc bị trừng phạt tập thể vì có người bỏ trốn.

Thông thường, nếu một nhóm công nhân quay trở lại trong thời gian ngắn, nếu cả nhóm may mắn thì chỉ có những người chậm chân thiệt mạng. Nhưng hầu hết, tất cả các thành viên trong nhóm đều bị Goeth hoặc một trong những cấp dưới của hắn bắn.

Những lao động nô lệ làm việc cho Goeth cũng bị đánh đập không thương tiếc, kể cả những người giúp việc của ông này. Goeth đã thuê hai nữ giúp việc để làm mọi công việc như nấu ăn, dọn dẹp, ủi quần áo, cắt may… cho hắn trong suốt thời gian hắn ở đó.

Cả hai đều bị đánh đập hàng ngày. Hắn đã gây ra những vết thương như thủng màng nhĩ và phá hủy dây thần kinh dẫn đến tàn tật suốt đời. Nhưng trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, cả hai người giúp việc đều khẳng định hắn chưa bao giờ cưỡng hiếp họ. Nhưng đôi khi, hắn đã lạm dụng tình dục họ khi say rượu, lột trần họ và đánh họ bằng roi hoặc nắm đấm.

Bên cạnh việc đích thân hành quyết và đánh đập tù nhân, hắn còn có nguyện vọng biến Płaszów thành trại tử thần. Goeth đã mời các chỉ huy SS trong vùng tiến hành các vụ hành quyết tại trại của mình vì đây là địa điểm an toàn và tách biệt.

Hàng nghìn tù nhân bị đưa đến nơi được gọi là Đồi Prick để bị Goeth hoặc một trong những người của hắn bắn chết.

Vào khoảng thời gian này, nhà công nghiệp người Đức Oskar Schindler, người sở hữu một nhà máy sản xuất đồ tráng men gần đó, phát hiện ra rằng Goeth có điểm yếu là thích xu nịnh, những món quà xa xỉ và hối lộ. Mặc dù Schindler từng là thành viên của đảng Quốc xã và ban đầu thuê người Do Thái tại nhà máy để có thể trả lương cho họ ít hơn những công nhân khác và giữ được nhiều tiền hơn cho bản thân, nhưng ông đã bắt đầu ghét mọi thứ mà đảng Quốc xã làm.

Chú thích ảnh
Amon Goeth trong phiên tòa xét xử, nơi hắn tuyên bố “chỉ làm theo lệnh”. Ảnh: historydefined

Vì vậy, Schindler đã đưa ra những khoản hối lộ ngày càng lớn cho Goeth để đảm bảo an toàn cho các công nhân Do Thái của mình. Đổi lại, Goeth thiết lập trại riêng cho nhân viên của Schindler, đảm bảo rằng họ thoát khỏi sự tàn ác của trại Płaszów.

Cuối cùng, cấp trên biết về hành vi tích trữ chiến lợi phẩm và nhận hối lộ của Goeth. Trong cuộc điều tra, các thanh tra SS đã xem xét trại Płaszów và các chính sách của trại. Ngay cả họ cũng kinh hoàng với hành vi của Goeth.

Vào tháng 9/1944, khi đã chỉ huy trại Płaszów 18 tháng, hắn bị bắt vì tham nhũng và hành vi tàn bạo rồi bị giam ở Breslau một tháng trước khi bị chuyển đến Bad Tölz, Đức. Chính tại đó, vào năm 1945, hắn đã bị quân đội Mỹ bắt giữ.

Năm sau, sau khi xác định được danh tính thực sự của Goeth, người Mỹ đã giao hắn cho Ba Lan, nơi hắn nhanh chóng bị đưa ra xét xử và treo cổ vào tháng 9/1946.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Historydefined)
Ly kỳ câu chuyện hòa tan huy chương vàng Nobel để qua mặt Đức Quốc xã
Ly kỳ câu chuyện hòa tan huy chương vàng Nobel để qua mặt Đức Quốc xã

Vàng là kim loại dường như vĩnh cửu, không bị xỉn màu, độ bóng không phai theo thời gian và có khả năng chống lại gần như mọi hóa chất, chỉ trừ một thứ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN