Hướng đi mới của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản - Kỳ 1

Trong lúc phương Tây đổ dồn ánh mắt vào đạo luật an ninh mới gây nhiều tranh cãi được Nhật Bản thông qua hồi tháng 9/2015, họ dường như đã bỏ qua một sự thay đổi không kém phần quan trọng khác đang diễn ra - Nhật Bản thành lập một cơ quan mới chuyên xúc tiến xuất khẩu vũ khí trực thuộc Bộ Quốc phòng.

TỪ SẢN XUẤT NỘI ĐỊA ĐẾN XUẤT KHẨU VŨ KHÍ

Cơ quan mua sắm, công nghệ và hậu cần Nhật Bản (ATLA) mới được thành lập đi vào hoạt động từ ngày 1/10. Bên cạnh việc xúc tiến xuất khẩu vũ khí, đơn vị này còn có nhiệm vụ quy về một mối các bộ phận riêng biệt là nghiên cứu và phát triển (R&D), mua sắm và xuất khẩu, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt cơ cấu tổ chức và sự chồng chéo về chức năng.

So với các cơ quan tương tự ở những nước công nghiệp tương đương Nhật Bản là Anh và Pháp thì quy mô của ATLA được xem là khiêm tốn với chỉ 1.800 nhân viên và ngân sách khoảng 2.000 tỉ yen (16,3 tỉ USD). Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, ATLA là một cơ quan thật sự lớn, chiếm gần 1/3 tổng ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng. ATLA ra đời đã phản ánh việc Bộ Quốc phòng Nhật Bản thay đổi chính sách từ phát triển và sản xuất hàng hóa nội địa của thập niên 1970 sang chiến lược mới mang tên “Chiến lược sản xuất quốc phòng và nền tảng công nghệ”.

Tàu ngầm diesel lớp Soryu mà Nhật Bản có thể cung cấp cho Australia.

Việc thành lập ATLA có sự liên quan mật thiết đến những thay đổi gần đây trong các chính sách an ninh của Nhật Bản, đặc biệt là việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1967 khi Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Eisaku Sato xây dựng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí và những chỉ đạo chính sách liên quan”. Theo đó cấm xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia XHCN, các nước bị cấm vận vũ khí theo nghị quyết của Liên hợp quốc và những nước dính líu hoặc có thể dính líu đến các cuộc xung đột quốc tế. Đến năm 1976, Thủ tướng Takeo Miki đã siết chặt những quy định này, tuyên bố Nhật Bản sẽ không thúc đẩy xuất khẩu vũ khí, dù là đến bất cứ quốc gia nào. Quyết định này trên thực tế là một lệnh cấm hoàn toàn đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí.

Cho đến tháng 12/2013, Nhật Bản lần đầu tiên công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó cam kết sẽ xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Tháng 4/2014, chính quyền của Thủ tướng Abe cuối cùng đã sửa đổi 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, thậm chí còn đổi tên thành “3 nguyên tắc chuyển giao thiết bị quốc phòng”. Với quy định mới, vũ khí Tokyo sẽ được xuất khẩu nếu nó đóng góp cho hòa bình thế giới và bảo vệ lợi ích quốc gia Nhật Bản.

Thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản.

Thỏa thuận đầu tiên đạt được trong khuôn khổ các quy định mới diễn ra vào tháng 7/2014 khi Nhật Bản bán hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-2 cho Mỹ. Mặc dù vừa thất bại trong nỗ lực bán máy bay tuần tra săn ngầm P-1 do nước này tự nghiên cứu chế tạo cho Anh, song Tokyo vẫn còn nguyên cơ hội bán các tàu ngầm diesel lớp Soryu cho Australia, sau khi đã nộp hồ sơ dự thầu cạnh tranh hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá lên tới 36 tỷ USD cho Canberra. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang đàm phán với Ấn Độ về việc bán thủy phi cơ US-2.

Trước đây, các bộ phận mua sắm quốc phòng thuộc các lực lượng phòng vệ trên biển, trên bộ và trên không cũng như trong chính Bộ Quốc phòng Nhật Bản hoạt động riêng rẽ. Hiện nay thách thức lớn nhất của ATLA là tìm cách để các bộ phận khác nhau này phối hợp với nhau một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thống nhất cơ cấu tổ chức và tìm hiểu cách thức hỗ trợ xuất khẩu công nghệ quốc phòng, ATLA đang phải đối mặt với ít nhất 5 thách thức cơ bản khác. Thứ nhất là đảm bảo quá trình giám sát dân sự trong mua sắm và xuất khẩu trang thiết bị vũ khí. ATLA có một nhánh giám sát gồm 20 người phụ trách theo dõi các quy trình đấu thầu và mua sắm cũng như liên lạc giữa các quan chức và công ty cung cấp. Mặc dù vậy, cơ chế giám sát của quốc hội về cơ bản là không tồn tại, cho dù với tư cách là một nền dân chủ tiên tiến, người dân Nhật Bản có thể đòi hỏi những đại biểu mà họ bầu ra tham gia vào quá trình này.

Thứ hai, Nhật Bản sẽ tiến hành kiểm chứng như thế nào với người sử dụng đầu cuối vũ khí mà họ xuất khẩu, do có những hạn chế trong công tác tình báo, cả về thiết bị giám sát lẫn nhân viên tình báo. Trong khi xuất khẩu vũ khí sang Pháp, Anh, Mỹ hay Australia có thể không gây nhiều quan ngại bởi chính những nước này cũng có các hệ thống kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt, việc xuất khẩu sang Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Tokyo luôn có cảm giác bất an.

Thứ ba, ATLA sẽ phối hợp ra sao với Hội đồng An ninh Quốc gia mới trong vấn đề xuất khẩu, cũng như với cơ quan cấp phép tối cao là Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp. Các thách thức thứ tư và thứ năm liên quan đến cách thức xử lý quan hệ với công chúng yêu chuộng hòa bình và các doanh nghiệp Nhật Bản hiện vẫn đang giữ tâm lý dè dặt. Các doanh nghiệp lo ngại người dân sẽ gán cho họ cái mác “lái buôn tử thần” nếu công nghệ hay hàng hóa của họ được phát hiện sử dụng trong chiến tranh.

Xem kỳ cuối: Phô trương công nghệ quốc phòng

Huy Lê (Tổng hợp)
Hướng đi mới của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản - Kỳ cuối
Hướng đi mới của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản - Kỳ cuối

Các quốc gia tương đương với Nhật Bản thường rất chậm chạp hoặc đôi khi gặp vô vàn khó khăn trong việc chuyển đổi khả năng từ vận dụng công nghệ quốc phòng phục vụ mục đích dân sự (spin-off) sang áp dụng công nghệ dân sự vào những mục đích quân sự (spin-on).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN