Lịch sử can thiệp quân sự thành công của ECOWAS trong ba thập kỷ

Khối Tây Phi có lịch sử nhiều lần can thiệp quân sự thành công để khôi phục trật tự hiến pháp trong khu vực.

Chú thích ảnh
ECOWAS đã từng tiến hành nhiều cuộc can thiệp quân sự thành công nhằm vào các quốc gia trong khu vực Tây Phi. Ảnh: AFP

Ngày 26/7, các thành viên của lực lượng bảo vệ Tổng thống Niger đã phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum trong một cuộc đảo chính. Đây là cuộc đảo chính thành công thứ năm trong 9 nỗ lực như vậy ở Tây Phi kể từ năm 2020.

Vụ việc đã khiến Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) áp đặt các biện pháp trừng phạt và đưa ra tối hậu thư một tuần cho chính phủ quân sự lâm thời phải khôi phục quyền lực cho ông Bazoum hoặc đối mặt với khả năng bị can thiệp vũ lực.

Đáp lại, Ủy ban Hòa giải và Phát triển Quốc gia (CNRD), do lãnh đạo đảo chính, Tướng Abdourahamane Tchiani đứng đầu, đã bác bỏ tối hậu thư và cáo buộc ECOWAS âm mưu "xâm lược" Niger với sự hợp tác của các quốc gia châu Phi khác và các cường quốc phương Tây. CNRD tuyên bố sẽ đáp trả "ngay lập tức" trước bất kỳ hành động quân sự nào của khối.

Hạn chót mà ECOWAS đưa ra là ngày 6/8 (theo giờ địa phương), và nếu hành động can thiệp xảy ra, đây không phải là lần đầu tiên khối gồm 15 thành viên can thiệp vào các cuộc khủng hoảng liên quan đến các quốc gia thành viên. Nhóm Giám sát Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOMOG), nhánh quân sự của ECOWAS, đã được thành lập vào năm 1990 để can thiệp vào các cuộc xung đột trong khu vực.

Dưới đây là những vụ can thiệp quân sự của ECOWAS.

Năm 1990: Liberia

Năm 1989, Charles Taylor lãnh đạo một lực lượng dân quân chống lại chính phủ Liberia, dẫn đến bùng nổ nội chiến ở nước này. Do đó, ECOWAS đã quyết định thực hiện một động thái can thiệp chưa từng có vào năm 1990. Lực lượng ECOMOG ban đầu gồm 3.000 người được thành lập với các nhân sự được rút ra từ Nigeria, Gambia, Ghana, Guinea và Sierra Leone cùng với các binh sĩ bổ sung do Mali đóng góp.

Sứ mạng này đã gây tranh cãi do thành viên của ECOMOG vi phạm nhân quyền, đặc biệt là đối với phụ nữ, nhưng cuối cùng nó đã đảm bảo hòa bình. Lực lượng can thiệp đã duy trì ở Liberia cho đến năm 1996 khi chiến tranh kết thúc.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nigeria thuộc ECOMOG, nhánh quân sự của Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi, điều chỉnh một bệ phóng tên lửa ở làng Lomo Nord, miền trung Bờ Biển Ngà, ngày 14/02/2003. Ảnh: AFP

Năm 1997: Sierra Leone

Điểm dừng chân tiếp theo của ECOMOG là thủ đô Freetown của Sierra Leone vào năm 1997 sau khi chính phủ dân sự được bầu của nhà lãnh đạo Ahmed Tejan Kabbah bị Thiếu tá Johnny Paul Koroma lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.

Lực lượng đảo chính, dưới sự chỉ huy của quân đội Nigeria, đã di chuyển một phần nhân lực từ Monrovia, thủ đô Liberia, để tái chiếm Freetown từ tay nhóm phiến quân Mặt trận Thống nhất Cách mạng (RUF). Vào tháng 2/1998, ECOMOG đã phát động một cuộc tấn công dẫn đến sự sụp đổ của chế độ quân sự và ông Kabbah được tái bổ nhiệm làm lãnh đạo đất nước.

Năm 1999: Guiné Bissau

Cuộc can thiệp tiếp theo của ECOMOG là một phái bộ ngừng bắn ở Guinea Bissau sau khi xung đột nổ ra tiếp nối một âm mưu đảo chính vào năm 1998. Cuộc chiến đã diễn ra giữa các lực lượng chính phủ được nước láng giềng Senegal và Guinea hậu thuẫn chống lại các thủ lĩnh đảo chính nắm quyền kiểm soát lực lượng vũ trang.

Tình trạng thù địch đã được giải quyết sau khi một thỏa thuận hòa bình được đưa ra vào tháng 11/1998 với các điều kiện nhằm đảm bảo một chính phủ đoàn kết dân tộc và các cuộc bầu cử mới vào năm 1999. Tuy nhiên, một cuộc xung đột mới bùng phát vào tháng 5/1999 đã phá vỡ thỏa thuận.

Vào tháng 11/1999, một hiệp định hòa bình đã được ký kết tại Abuja, trong đó một phần nêu rõ việc rút quân của Senegal và Guinea và triển khai lực lượng ECOMOG để đảm bảo hòa bình.

Năm 2003: Bờ Biển Ngà

Sau khi lực lượng vũ trang Bờ Biển Ngà và các nhóm phiến quân đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2003, ECOWAS đã triển khai quân đội với tư cách là lực lượng ECOWAS ở Bờ Biển Ngà (ECOMICI) để bổ sung cho quân đội Liên Hợp Quốc và Pháp.

Chú thích ảnh
Những người lính Senegal với ECOMOG, nhánh quân sự của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi, đứng gác ở làng Lomo nord, miền trung Bờ Biển Ngà vào ngày 14/2/2003. Ảnh: AFP

Năm 2003: Liberia

Cuộc nội chiến Liberia lần thứ hai một lần nữa đòi hỏi sự trở lại của lực lượng quân sự ECOMOG. Trong khi cuộc nội chiến thứ nhất đưa Charles Taylor lên nắm quyền thì cuộc nội chiến thứ hai từ năm 1999 đến 2003 đã khiến ông phải ra đi.

Lần này, ECOWAS đã triển khai quân đội theo Phái bộ ECOWAS tại Liberia (ECOMIL) với khoảng 3.500 binh sĩ, trong đó phần lớn đến từ Nigeria. Họ đóng vai trò như một lực lượng can thiệp, chia tách các bên tham chiến và tạo điều kiện cho Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Liberia (UNMIL) đến địa bàn.

Năm 2013: Mali

Một cuộc đảo chính năm 2012 ở Mali đã dẫn đến sự phá vỡ trật tự và các nhóm phiến quân Hồi giáo ngay lập tức lợi dụng cuộc đảo chính diễn ra sau đó để chiếm miền bắc của đất nước.

ECOWAS đã lãnh đạo Phái bộ Hỗ trợ Quốc tế do Châu Phi lãnh đạo tại Mali (AFISMA) để hỗ trợ chính phủ Mali trong cuộc chiến chống phiến quân vào năm 2013.

Sứ mạng này được ủy quyền bởi một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiệm vụ ban đầu của nó kéo dài trong một năm. Nigeria đóng góp phần lớn quân số, nhưng một loạt các quốc gia Tây Phi khác, bao gồm Gabon, Bờ Biển Ngà, Niger và Burkina Faso, cũng ủng hộ sứ ​​mạng.

Cuộc can thiệp bắt đầu sau một cuộc tiến công bất ngờ của lực lượng phiến quân vào đầu tháng 1/2013 và sự can thiệp sau đó của Pháp. Lực lượng AFISMA hỗ trợ chính phủ Malia khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ nhân quyền.

AFISMA cuối cùng đã nhường chỗ cho Lực lượng Ổn định tích hợp đa chiều của Liên hợp quốc ở Mali (MINUSMA).

Năm 2017: Gambia

ECOMOG đã can thiệp vào Gambia để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị nổi lên sau khi nhà cai trị lâu năm Yahya Jammeh từ chối chấp nhận thất bại của mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, với chiến thắng thuộc về đối thủ Adama Barrow. Sứ mạng này có tên là "Chiến dịch khôi phục nền dân chủ”

Lực lượng này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và đưa ra tối hậu thư yêu cầu Jammeh phải từ chức hoặc đối mặt với hành động quân sự. Vào ngày 19/1/2017, ông Barrow tuyên thệ nhậm chức tổng thống tại Đại sứ quán Gambia ở Senegal, trong khi quân đội ECOMOG từ Senegal, Nigeria, Ghana, Mali và Togo tiến vào Gambia để thực thi quyền hợp pháp của ông. Khi lực lượng ECOMOG tiếp cận thủ đô Banjul, Jammeh đồng ý từ bỏ quyền lực và sống lưu vong. ECOMOG vẫn ở Gambia để đảm bảo hòa bình và ổn định cho chính quyền của Barrow.

Tên của sứ mạng trên sau đó được đổi thành Sứ mạng ECOWAS ở Gambia (ECOMIG) và kéo dài đến tháng 12/2021.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera, Sputnik)
Niger chờ phản ứng của ECOWAS sau khi từ chối tối hậu thư
Niger chờ phản ứng của ECOWAS sau khi từ chối tối hậu thư

Sau khi từ chối tối hậu thư của Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) về thời hạn chót 6/8 để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum, lãnh đạo nhóm quân đội đảo chính tại Niger đang chờ phản ứng từ ECOWAS, vốn trước đó cảnh báo sẽ tiến hành can thiệp vũ trang nếu thời hạn chót trên bị bỏ lỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN