Những ngôi nhà tình nghĩa

Bài báo dưới đây được tác giả Trần Mai Hưởng - nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), viết vào tháng 1/1973, khi ông còn là phóng viên. Bài viết kể về việc bà con hợp tác xã Minh Sinh cũng như nhiều làng quê khác ở Hà Tây giúp người dân Hà Nội dựng lại nhà trên những bãi bom B52 tháng 12/1972. Bài đã đăng trên bản tin Miền Bắc của Việt Nam Thông tấn xã (tên gọi cũ của TTXVN) và báo Hà Nội Mới khi ấy. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, được sự cho phép của tác giả, báo Tin tức trân trọng chia sẻ với độc giả câu chuyện để, theo lời ông, "cùng nhớ về những năm tháng gian khó, ác liệt, hào hùng và thấm đẫm tình người của một thời không thể nào quên".

Dựng lại nhà trên những bãi bom B52 ở Hà Nội năm 1972 (ảnh tư liệu).

Khi bàn chuyện giúp đỡ đồng bào Hà Nội bị bom Mỹ phá huỷ, bà con hợp tác xã Minh Sinh có người phát biểu:

- Đồng bào Thủ đô bị bom đạn Mỹ cũng như ta bị. Năm hết Tết đến, ta có chỗ ăn Tết, đồng bào Hà Nội cũng phải có chỗ ăn Tết. Ta phải chia ngọt sẻ bùi!

Minh Sinh, hợp tác xã đạt 10 tấn của huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, giỏi cả về chăn nuôi, trồng trọt. Làm sao cho xứng với sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ Thủ đô?, câu hỏi ấy băn khoăn trong lòng người dân Minh Sinh. Nhà ít nhà nhiều, 350 hộ xã viên góp được số tiền hơn 800 đồng. Bà con nhất trí cử Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Đang làm Trưởng ban kiến thiết, tập hợp người thay mặt các đoàn thể, thay mặt bà con lên đường ngay. 

Mẹ Nguyễn Thị Luyến, Hội trưởng phụ nữ đã 71 tuổi, vẫn xung phong làm Phó ban. Có ba người con, người em là liệt sĩ, mẹ càng hiểu và thông cảm với nỗi đau mất mát của bà con!

Dựng lại nhà trên những bãi bom B52 ở Hà Nội năm 1972 (ảnh tư liệu). 

Đoàn xe chở người và nứa lá của Minh Sinh về đến Thủ đô vừa lúc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam báo tin Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình được ký tắt. Nỗi vui mừng xen lẫn ngậm ngùi. Nơi bà con đến - làng Phương Liệt, thuộc khối 60, khu phố Đống Đa chỉ còn là một đống gạch vụn, ken dày những hố bom B52. 

Nhiều hợp tác xã thuộc các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây giúp bà con Phương Liệt làm 55 ngôi nhà trong đợt đầu. Hợp tác xã Minh Sinh nhận làm giúp nhà bác Lê Văn Thọ, cán bộ Tổng cục Bưu điện đã về hưu. Khi biết bác Thọ có hai con đi chiến đấu xa và một anh đã hy sinh, tự đáy lòng, bà con mong việc làm nhỏ bé của mình sẽ phần nào an ủi gia đình bác, nhất là trong những ngày thắng lợi này.

Bác Thọ thật không ngờ những người chưa quen biết ấy đã mang lại cho bác những tình cảm rộng lớn. Ngay trưa hôm ấy, cái nền gạch của ngôi nhà gia đình bác Thọ thành một công trường nhỏ. Và cả làng Phương Liệt là một công trường lớn. Người cưa, người đục, xe gỗ, xe tre, nứa lá, giấy dầu chất đầy các ngõ ngách. Khung nhà làm xong từ trước chỉ việc dựng lên, nhưng bà con vẫn rất cẩn thận. Các bác thợ sửa lại chiều rộng, chiều ngang cho vừa nền nhà cũ. Họ hỏi ý bác Thọ vị trí từng cánh cửa sổ, cửa buồng, lắp thêm cột cái, cột con cho nhà thêm chắc chắn. Đám thanh niên mới học mà biết làm nhanh. 10 giờ khuya chưa chịu nghỉ.  

Chỉ hai ngày sau, hơn 50 ngôi nhà mọc lên như một phép lạ trên bãi bom B52 Phương Liệt. Trên nóc ngôi nhà còn ghi dòng chữ “Hợp tác xã Minh Sinh, huyện Thanh Oai, Hà Tây tặng: 24-1-1973”. Chi đoàn thanh niên Hợp tác xã đã mua và bày ảnh Bác Hồ trên bàn thờ Tổ quốc nơi gian giữa và treo các khẩu hiệu, câu đối trông rất đẹp mắt. Các trường học của hợp tác xã và xã viên Bình Minh còn làm tặng hai con nhỏ của bác Thọ một góc học tập với đủ bàn ghế, mũ rơm, bông băng, khăn quàng đỏ…

Nhìn những ngôi nhà cao ráo, khang trang trong xóm, bác Thọ rất xúc động. Trong bữa cơm thân mật tiễn đồng bào ra về, bác Thọ nói chân thành:

- Nhà tôi đã bảy đời ở đây. Hai lần giặc Pháp, giặc Mỹ làm cháy rụi, tan hoang. Đã có hoà bình. Tôi lại có nhà mới. Ơn chính quyền, tình nghĩa đồng bào Minh Sinh không bao giờ tôi quên được. Từ nay Minh Sinh là quê hương thứ hai của tôi rồi.

Trần Mai Hưởng ( Phóng viên VNTTX (1/1973))
Những chứng nhân lịch sử - “Hồ B52” - Nơi lũy thép làng hoa
Những chứng nhân lịch sử - “Hồ B52” - Nơi lũy thép làng hoa

Đêm 27/12/1972, một chiếc máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn hạ, rơi xuống hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN