Tên trộm xảo quyệt bị kết án 93 năm tù, trốn thoát 9 lần và sống thọ 100 tuổi

Hắn bị xét xử 13 lần với tổng mức án là 93 năm và đã vượt ngục thành công 9 lần. Nhưng hắn thậm chí đã sống xa hoa và còn được quan chức Liên Xô tặng một căn hộ ở trung tâm Moskva.

Chú thích ảnh
Ivan Petrov, hay Vanka "Xảo quyệt" đã trốn tù nhiều lần, sử dụng những tấm Huân chương Sao Vàng và danh tính của những người có công thời Liên Xô để đi lừa đảo. Ảnh: Russian Beyond

Đó là câu chuyện về Vanka Khitry (hay Vanka “Xảo quyệt”) - kẻ lừa đảo khôn ngoan bậc nhất thời bấy giờ.

Những vụ trộm Huân chương Sao Vàng

Vào ngày 29/9/1971, phi công huyền thoại Grigory Kozlov, Anh hùng Liên Xô, đến Sở cảnh sát Sochi. Ông nộp đơn khiếu nại về một vụ trộm: bút, áo khoác, hộ chiếu, vé máy bay, chứng minh nhân dân và Huân chương Sao Vàng được tặng thưởng đã không cánh mà bay trong phòng của ông tại viện điều dưỡng Golden Spike. Tuy nhiên, nạn nhân thừa nhận ngôi sao không phải bằng vàng thật mà là đồng. Người cựu chiến binh đã thận trọng mang theo mình một bản sao để không làm mất bản gốc quý giá. Nhưng các giấy tờ của ông thì đều là bản gốc.

Cảnh sát ngay lập tức kết luận rằng họ đang đối phó với một tên trộm "tài tử" thậm chí không thể phân biệt được bản sao với bản gốc. Tuy nhiên, điều thú vị là tên trộm không lấy tiền từ phòng của Kozlov mà chỉ lấy huy chương.

Vụ việc đã trở thành vụ án nổi tiếng ở Liên Xô bởi rất ít người dám ăn trộm của các vị Anh hùng, những người được kính trọng nhất đất nước. Nhưng không có manh mối nào cả. Vụ án bị đình trệ cho đến khi tên tội phạm xuất hiện lần nữa.

Một tháng sau, một cựu chiến binh khác liên lạc với Sở cảnh sát Sochi. Anh hùng Liên Xô Pyotr Rogozin báo cáo rằng một số kẻ đột nhập đã lấy đi Huân chương Sao Vàng của ông, một phiên bản giả bằng đồng, trong viện điều dưỡng Caucasian Riviera.

Chú thích ảnh
Huân chương Sao vàng được trao tặng cho Anh hùng Liên Xô. Ảnh: Sputnik

Một năm sau đó, "kẻ trộm huy chương” mới bị bắt giữ ở Moskva. Hóa ra đó là một ông già tên là Ivan Petrov, hay còn gọi là ‘Vanka Khitry’ (Vanka "Xảo quyệt"), hoặc biệt danh ‘Zvezdochet’. Tuy nhiên, ông ta không chỉ quan tâm đến những Ngôi sao Vàng.

Nhà chức trách còn tìm thấy tài liệu của một đại tá KGB và của vị phó của một đại biểu Xô viết Tối cao, bằng tốt nghiệp của một luật sư và giấy chứng nhận của một người lính tiền tuyến tại nhà Vanka. Bộ sưu tập của ông ta không chỉ bao gồm những giấy tờ bị đánh cắp mà còn cả những giấy tờ giả mạo.

Khi được hỏi tại sao lại lấy trộm các huân chương, Vanka "Xảo quyệt" thú nhận: “Các anh có nghĩ rằng tôi chỉ lấy những món đồ này để lấy vàng không? Hay để che đậy, để dễ dàng trộm cắp hơn? Không, những ngôi sao này có giá trị khác. Tất cả chúng ta đều được chia thành những người bị sỉ nhục và người sỉ nhục, bị xúc phạm và xúc phạm… Tôi thực sự không muốn thuộc loại đầu tiên. Và với Ngôi sao, các anh không phải xếp hàng dài chờ đợi, không ai thô lỗ với anh và các quan chức không khiến cuộc sống của anh trở nên khốn khổ. Nếu anh muốn có một thái độ nhân đạo với chính mình - hãy thể hiện mình là một Anh hùng!".

Vanka Khitry sinh năm 1900 tại làng Pasynkovo, Vùng Tver. Anh ta sống nghèo khổ và cuối cùng dấn thân vào cuộc đời tội phạm. Vanka bắt đầu trộm cắp vào năm 10 tuổi và ở tuổi 16, anh ta bị bắt lần đầu tiên, và năm 25 tuổi thì nhận bản án tù đầu tiên.

Từ năm 1925 đến năm 1972, Vanka "Xảo quyệt" vào tù 13 lần với tổng thời gian thụ án lên tới 93 năm, nhưng thực hiện tới 9 cuộc vượt ngục. Vẫn chưa biết làm thế nào mà lần nào Vanka cũng trốn thoát, thậm chí trốn khỏi nhà tù Solovetsky khét tiếng.

Trở lại với cái tên "cha sinh mẹ đẻ", Ivan Petrov là một người đàn ông cực kỳ quyến rũ và có khiếu nghệ thuật. Đó là điều dễ hiểu, nếu không thì anh ta đã không thể thành công trong thế giới tội phạm. Đồng thời, Ivan có vẻ ngoài lịch lãm, nét mặt thô ráp nhưng chỉn chu, mái tóc màu xám quý phái. Kẻ lừa đảo biết cách gây ấn tượng với phụ nữ và lấy được lòng tin của những người giàu có và quyền lực. Anh ta giới thiệu mình với các nạn nhân bằng nhiều cái tên khác nhau - Avin, Guskov, Abdershin, Kokora, Dyachkov, Serebrykov. Tổng cộng có 14 cái tên được biết đến.

Ivan Petrov cũng yêu thích sự sang trọng. Anh ta liên tục đi du lịch khắp đất nước và ở trong những khách sạn sang nhất, nghỉ ngơi trong các viện điều dưỡng ưu tú, dùng bữa trong những nhà hàng đắt tiền nhất và tham dự các buổi ra mắt sân khấu nổi tiếng. Ivan luôn dành mùa hè của mình tại các khu nghỉ dưỡng biển như Yalta, Batumi, Ghagra. Nhưng hơn bất cứ nơi nào, anh ta yêu Sochi.

Chú thích ảnh
Sochi - thủ phủ nghỉ dưỡng của Liên Xô.

Tài liệu của Sở Nội vụ thành phố Sochi nêu: “Làn sóng khiếu nại từ những người bị lừa đảo đã tràn ngập các đồn cảnh sát ở Sochi. Vì vậy, vào năm 1969, cuộc chiến chống lại những kẻ lừa đảo được Sở Nội vụ giao cho trung úy Lukashov, người đã xử lý công việc một cách trung thực và bắt đầu không chỉ thu thập tất cả các khiếu nại từ nạn nhân mà còn cả ảnh của tất cả những tay lừa đảo cờ bạc chuyên nghiệp. Bằng cách này, một người Bablaria nào đó có biệt danh là Pindos, Petrov (tức Vanka "Xảo quyệt), Kirny, Darzhania, Biryukov và những người khác từ từ xuất hiện trên "radar" của cảnh sát. Họ có lối sống phản xã hội, ăn bám và sống bằng nghề đánh bài".

Nhìn vào ghi chú này, Vanka "Xảo quyệt" có thể đã cảm thấy khó chịu khi cảnh sát chỉ nhắc đến hắn là “một trong…”. Xét cho cùng, trong giới tội phạm, hắn nổi tiếng là kẻ lừa đảo có "uy tín" và điêu luyện nhất. “Thu nhập” hàng ngày của một tay chơi cờ bạc lão luyện có thể vượt quá 1.000 rúp. Vào thời điểm đó, đây là số tiền điên rồ, cho phép Vanka có được cuộc sống xa hoa mà hắn hằng mơ ước từ khi còn nhỏ.

Chú thích ảnh
Cờ bạc là bất hợp pháp ở Liên Xô, nhưng điều đó không ngăn cản những kẻ đánh bạc kiếm bộn tiền từ nó. Ảnh: TASS

Thao túng con trai, bình luận viên truyền hình

Trong cuộc đời trộm cắp, cờ bạc và vượt ngục, Vanka Khitry vẫn kịp kết hôn hai lần. Yevgeny Petrov, một trong ba người con của ông ta, là bình luận viên uy tín trong bộ phận tuyên truyền chính của Đài phát thanh All-Union Radio. Để có được sự nghiệp thành công, Yevgeny phải giữ kín về gia đình mình.

“Tôi chỉ bắt đầu biết sự thật vào năm lớp 10. Cha tôi bảo tôi ngồi trong bếp đối diện với ông và nhìn thẳng vào mắt tôi, bắt đầu kể cho tôi nghe về tài lừa dối và trộm cắp của ông. Thật đáng sợ. Bố tôi nói với tôi rằng ông ấy là một tên trộm. Và rằng tôi sẽ làm tê liệt số phận của mình nếu tôi kể cho bất kỳ ai về điều đó", Evgeny Petrov viết trong lời khai.

Vanka "Xảo quyệt" tiếp tục sống cuộc đời tội phạm và không mấy quan tâm đến việc nuôi dạy Yevgeny. Tuy nhiên, nhiều năm sau, khi biết được địa vị cao của con trai mình, ông ta đã bất ngờ tìm đến.

“Một ngày nọ, như mọi khi, bố tôi bất ngờ xuất hiện và đưa cho tôi 16.000 rúp để mua một chiếc ô tô đi dự đám cưới. Và sau đó, ông ta đến với một số mẫu giấy tờ. Tôi muốn đuổi ông đi luôn. Nhưng ông lại bày tiền ra".

"Và ông dọa rằng thân thế của tôi sẽ bị lộ. Từ đó tôi bắt đầu làm bất cứ điều gì ông ấy yêu cầu. Tôi sợ mất đi tất cả những gì tôi đã có. Tôi chờ đợi cha tôi với những món quà mới và ghét ông ấy vì nỗi sợ hãi đã xâm chiếm trong tôi", Yevgeny kể.

Yevgeny đã trung thành giúp đỡ người cha mà anh căm ghét làm giả tài liệu. Anh ta còn hỗ trợ Vanka viết một thỉnh nguyện thư gửi tới Tổng bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev. Kẻ lừa đảo tự giới thiệu mình là cựu quân nhân tiền tuyến Alexander Denisov, người từng chiến đấu với ông Brezhnev trong Quân đoàn 18 thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, sau đó xin giấy phép cư trú và một căn hộ ở Moskva.

Chú thích ảnh
Bãi biển thuộc Viện điều dưỡng Caucasian Riviera ở Sochi, năm 1962. Ảnh: Russiainphoto.ru

Vanka "Xảo quyệt" nói dối khéo léo đến mức Bí thư Ban chấp hành Trưng ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Suslov, và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô Nikolai Podgorny, đã đáp ứng yêu cầu của ông. Họ ra lệnh phân cho Denisov một căn hộ hai phòng ở ngay trung tâm Moskva.

Nhưng sau một thời gian, trò lừa bịp đã bị phát hiện. Các nhà điều tra đã phân tích chữ viết tay và phát hiện ra rằng tác giả của bức thư không phải là Denisov mà là Yevgeny Petrov, bình luận viên của Đài phát thanh All-Union.

Lúc này, Yevgeny thấy mình đang "cùng hội cùng thuyền" với cha mình. Trong một lần thẩm vấn, anh ta thú nhận: “Bây giờ, tôi hiểu rằng ông ta đã cướp đi của mẹ con tôi nhiều hơn bất kỳ ai khác. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông ta vì điều đó.”

Chú thích ảnh
Bên trong một Sở Cảnh sát thời Liên Xô. Ảnh: russiainphoto.ru

Phi vụ cuối

Lịch sử phạm tội của Vanka "Xảo quyệt" kết thúc vào mùa xuân năm 1972, khi ông ăn trộm bất thành của một khách hàng trong cửa hàng Berezka ở Moskva. Tên trộm lão làng đã lấy trộm chiếc ví của nha sĩ nổi tiếng Arkady Kushner, khi "ru ngủ" ông bằng một tấm huân chương Sao Vàng trên ve áo khoác và nói về thời trang Ý. Nhưng Kushner rất tỉnh táo và đích thân bắt giữ Vanka khi ông ta định tìm cách lẩn trốn vào đám đông.

Tại đồn cảnh sát, tên tội phạm được phát hiện có Chứng minh nhân dân Anh hùng Liên Xô mang tên Grigory Kozlov. Trong quá trình thẩm vấn, Vanka khéo léo né tránh và thuyết phục các nhà điều tra rằng hộ chiếu của ông ta đang ở trong căn hộ của người bạn tiền tuyến ở Kryukovo và bản thân ông ta đã đến thăm thủ đô từ Leningrad. Trong khi cảnh sát đang xác minh sự thật, Vanka đã thực hiện thủ đoạn yêu thích của mình - giả vờ ngất xỉu rồi trốn khỏi bệnh viện.

Tuy nhiên, cảnh sát đã thu thập quá nhiều dữ kiện và quan trọng nhất là giờ họ đã có ảnh của tên tội phạm. Chẳng bao lâu, các sĩ quan giàu kinh nghiệm đã nhận ra hắn ta là kẻ lừa đảo nổi tiếng Ivan Petrov.

Chú thích ảnh
Nhà tắm Sanduny, địa điểm yêu thích của giới thượng lưu Liên Xô. Ảnh: TASS

Vanka Khitry bị giam vài ngày sau đó tại nhà tắm Sanduny yêu thích của ông ta ở Moskva. Tên trộm thậm chí không chống cự. Hắn không còn trẻ nữa và có lẽ đã chán chạy trốn rồi. Trong túi của ông ta, cảnh sát còn tìm thấy một giấy tờ tùy thân giả khác mang tên Thiếu tá Avin, cựu sĩ quan 'SMERSH' (một tổ chức bảo trợ cho ba cơ quan phản gián độc lập trong Hồng quân được thành lập vào cuối năm 1942).

Vanka "Xảo quyệt" bị kết án 10 năm tù. Sau khi chấp hành bản án cuối cùng, ông ta được trả tự do vào năm 1982 và không bao giờ phải bóc lịch sau song sắt nữa. Kẻ lừa đảo khét tiếng qua đời năm 2000 ở tuổi 100.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Russian Beyond)
Chuyện ly kỳ về vụ trộm kim cương lớn nhất thế giới - Kỳ 2: 'Thiên đường' của trộm
Chuyện ly kỳ về vụ trộm kim cương lớn nhất thế giới - Kỳ 2: 'Thiên đường' của trộm

Ban ngày, hàng triệu đô la kim cương di chuyển từ văn phòng này sang văn phòng khác trong những chiếc vali hay túi áo khoác. Vào ban đêm, tất cả những viên đá quý đó được cất giữ trong két sắt và hầm ngầm. Đó là một trong những nơi tập trung của cải dày đặc nhất trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN