Miền Bắc Việt Nam, một trong những nơi trú ẩn của loài thực vật cổ

Viện Trưởng Viện Sinh thái học miền Nam Lưu Hồng Trường cho biết: Nhiều nhóm thực vật cổ từng có phân bố rộng rãi trên Trái đất từ hàng chục đến trăm triệu năm trước đây vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở khu vực Đông Á, trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, miền Đông nước Nga, Mông Cổ, miền Đông và Trung dãy Himalaya, bán đảo India-Sri Lanka, vùng đồng bằng châu thổ Bangladesh, miền Nam Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Nhiều chi thực vật cổ hiện chỉ còn tồn tại ở khu vực Đông Á nhưng một số chi vẫn còn có phân bố cả ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Nghiên cứu từ năm 2016 - 2018 của 45 nhà khoa học quốc tế đến từ 9 quốc gia, trong đó có Viện Sinh thái học miền Nam (Việt Nam) đã thu thập dữ liệu phân bố hiện tại và mẫu vật hóa thạch của 433 loài thực vật thuộc 133 chi thực vật cổ, từ đó mô hình hóa và đánh giá được biến động trong phân bố của chúng từ hàng trăm triệu năm trước cho đến nay.

Kết quả đã xác định được các trung tâm trú ẩn của chúng là các khu vực rừng núi thuộc Tây Nam Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và một số nơi ở Trung Quốc giáp giới với Việt Nam như Quảng Tây, Quảng Đông và Hồ Nam. Điều kiện khí hậu phù hợp do không bị phủ băng hà như châu Âu và Bắc Mỹ, cùng với sự đa dạng về địa hình ở Đông Á đã đóng vai trò quan trọng giúp các loài thực vật này vượt qua giai đoạn Cực đại băng hà cuối cùng cách đây khoảng 20 - 26,5 ngàn năm và tồn tại cho đến ngày nay.

Các nhà khoa học dự báo đến năm 2070, diện tích phân bố nói chung của các loài thực vật cổ có thể sẽ mở rộng, nhưng các diện tích rừng có sự đa dạng nhất các loài thực vật cổ sẽ bị giảm đi. Các khu vực rừng núi vùng Tây Nam Trung Quốc và miền Bắc của Việt Nam (nhất là khu vực biên giới), là các vùng trú ẩn ổn định lâu dài cho các loài thực vật cổ. Ngay cả đối với các chi thực vật cổ có vùng phân bố rộng ra ngoài khu vực Đông Á, thì các khu vực Đông Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc, giáp biên giới Việt Nam) và dãy Hoàng Liên Sơn sẽ là những vùng trú ẩn lâu dài và quan trọng nhất trong tương lai.

Đáng lưu ý là có đến khoảng 73 - 80% diện tích các vùng trú ẩn của các loài thực vật cổ đang nằm ngoài hệ thống các khu bảo tồn hiện có. Do đó, để duy trì sự đa dạng di truyền bảo đảm cho chúng tồn tại lâu dài, các nhà khoa học đề xuất phải gấp rút thành lập thêm khu bảo tồn ở các khu vực miền núi trong vùng đồng bằng Tứ Xuyên, phía Bắc tỉnh Vân Nam và vùng Đông Nam Trung Quốc, cũng như vùng Hoàng Liên Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Riêng đối với Việt Nam, trong số 433 loài có 173 loài và phân loài. Các vùng trú ẩn quan trọng nhất của các loài thực vật cổ ở Việt Nam là các khu rừng vùng núi ở miền Bắc, trong đó quan trọng nhất là các dãy núi Hoàng Liên Sơn, Tây Côn Lĩnh, Con Voi và tỉnh Cao Bằng; cần bổ sung diện tích rừng vùng núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc vào hệ thống các khu bảo tồn quốc gia.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Thử nghiệm diệt trừ thực vật ngoại lai xâm hại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng
Thử nghiệm diệt trừ thực vật ngoại lai xâm hại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

UBND tỉnh Quảng Bình vừa quyết định chi hơn 1,5 tỷ đồng để thử nghiệm phương án diệt trừ bìm bôi hoa vàng-loài thực vật ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN