NASA mất liên lạc với tàu do thám vũ trụ Voyager 1

Do sự cố máy tính, tàu thăm dò Voyager 1 của Cơ quan Không gian và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bị mất liên lạc với nhóm vận hành trên Trái Đất.

Chú thích ảnh
Bản vẽ tàu vũ trụ Voyager. Ảnh: NASA/Reuters

Theo hãng tin Reuters, các kỹ sư đang cố gắng giải quyết sự cố. Voyager 1 hiện là tàu vũ trụ hoạt động ở xa Trái Đất nhất với khoảng cách khoảng 24 tỷ km, trong khi chiếc Voyager 2 song sinh của nó đã đi hơn 20 tỷ km tính so với hành tinh xanh. Cả hai đều là tàu vũ trụ duy nhất từng hoạt động ngoài nhật quyển, bong bóng từ trường và các hạt của Mặt Trời vượt xa quỹ đạo của Sao Diêm Vương. Mặc dù được thiết kế để hoạt động trong 5 năm, nhưng hai tàu Voyager là hai tàu vũ trụ hoạt động lâu nhất trong lịch sử.

Voyager 1 được trang bị ba máy tính, bao gồm một hệ thống dữ liệu chuyến bay thu thập thông tin từ các thiết bị khoa học của tàu vũ trụ và dữ liệu kỹ thuật phản ánh tình trạng hiện tại của tàu. Trong khi đó, nhóm vận hành trên Trái Đất sẽ làm nhiệm vụ nhận những dữ liệu đó dưới dạng mã nhị phân hoặc một chuỗi của số một và số không.

Tuy nhiên, hiện tại, hệ thống dữ liệu chuyến bay của Voyager 1 có vẻ như bị kẹt ở chế độ tự động lặp lại. Nhóm vận hành trên mặt đất phát hiện sự cố từ ngày 14/11, khi hệ thống dữ liệu chuyến bay bắt đầu gửi lại một mẫu lặp lại gồm các số 1 và 0.

Mặc dù tàu vũ trụ vẫn có thể nhận và thực hiện các mệnh lệnh được truyền từ nhóm vận hành, nhưng vấn đề ở đây là không có dữ liệu khoa học hoặc kỹ thuật nào từ tàu Voyager 1 được đưa về Trái Đất.

Theo NASA, nhóm vận hành đã gửi lệnh vào cuối tuần để tàu vũ trụ khởi động lại hệ thống dữ liệu chuyến bay, nhưng vẫn chưa có dữ liệu nào nhận về.

Calla Cofield, chuyên gia quan hệ truyền thông tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Pasadena, California, cho biết các kỹ sư của NASA đang cố gắng thu thập thêm thông tin về nguyên nhân gây ra vấn đề trước khi xác định các bước khắc phục tiếp theo. Quá trình này có thể mất vài tuần.

Theo chuyên gia Cofield, lần gần đây nhất Voyager 1 gặp sự cố tương tự với hệ thống dữ liệu chuyến bay là vào năm 1981. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại dường như không liên quan đến các trục trặc khác mà tàu vũ trụ gặp phải trong những năm gần đây.

Tàu Voyager 1 ở khoảng cách xa đến mức phải mất 22,5 giờ để các lệnh được gửi từ Trái Đất đến được tàu vũ trụ. Ngoài ra, nhóm phải đợi 45 giờ để nhận được phản hồi.

Theo giám đốc dự án Voyager Suzanne Dodd, trong bối cảnh hai tàu thăm dò song sinh lâu năm tiếp tục khám phá vũ trụ, nhóm nghiên cứu đã dần tắt các thiết bị trên chúng để tiết kiệm năng lượng và kéo dài sứ mệnh.

Trên hành trình khám phá không gian, cả hai tàu vũ trụ đều gặp phải sự cố không mong muốn và bị gián đoạn liên lạc, bao gồmkhoảng thời gian bảy tháng vào năm 2020 khi Voyager 2 không thể liên lạc với Trái đất. Đến tháng 8, nhóm vận hành đã sử dụng kỹ thuật “hét” tầm xa để khôi phục liên lạc với Voyager 2 sau khi một lệnh vô tình hướng ăng-ten của tàu sai hướng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
Tàu thăm dò Perseverance đánh dấu ngày thứ 1.000 trên Sao Hỏa
Tàu thăm dò Perseverance đánh dấu ngày thứ 1.000 trên Sao Hỏa

Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) Mỹ, tàu thăm dò Perseverance đã đánh dấu mốc 1.000 ngày hoạt động trên “Hành tinh Đỏ”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN