Phát triển thành công nhựa sinh học phù hợp cho sản xuất công nghiệp

Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản ngày 10/4 thông báo đã phát triển một loại nhựa sinh học mới, không chỉ bền mà còn phân hủy nhanh chóng trong nước biển và có thể sản xuất hàng loạt.

Chú thích ảnh
Nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic. Ảnh: kobe-u.ac.jp

Theo báo cáo đăng tải trên tạp chí khoa học Mỹ ACS Sustainable Chemistry and Engineering, các nhà khoa học tại Đại học Kobe và một số tổ chức khác đã phát hiện loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic (PLA), một loại polyester có nguồn gốc từ tinh bột như mía và ngô. 

Axit polylactic, còn được gọi là polylactide, đã thu hút sự chú ý như một vật liệu thay thế cho nhựa từ dầu mỏ, nhưng vật liệu này giòn và khó tạo khuôn và hòa tan. Các nhà khoa học sau đó đã phát triển một loại polylactide có khả năng phân hủy có tên gọi LAHB, nhưng khó sản xuất hàng loạt. Để khắc phục những hạn chế đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại vi khuẩn được gọi là dehydrogenase lactate có khả năng sản xuất nhựa, và thông qua việc biến đổi gen, nhóm đã có thể sản xuất hàng loạt LAHB.

Bản thân LAHB có màu trắng đục, nhưng nhóm nghiên cứu phát triển loại nhựa mới đạt được vẻ ngoài trong suốt điển hình bằng cách thêm một lượng nhỏ LAHB vào axit polylactic thông thường.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tăng tỷ lệ sử dụng nhựa sinh học của đất nước lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030.

Phát hiện mới này mang lại hy vọng về triển vọng giải quyết vấn đề rác thải nhựa các đại dương trên thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2022, có khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa trên biển.

Giáo sư Seiichi Taguchi của Đại học Kobe, thành viên nhóm nghiên cứu, đánh giá việc phát triển nhựa sinh học mới sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu và thúc đẩy sản xuất công nghiệp những sản phẩm sinh học như thế này.

Lan Phương (TTXVN)
Rác thải nhựa: Từ ô nhiễm môi trường đến cản trở tăng trưởng kinh tế
Rác thải nhựa: Từ ô nhiễm môi trường đến cản trở tăng trưởng kinh tế

Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Toronto (Canada) ngày 5/4 công bố một nghiên cứu cho thấy hiện có tới khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy đại dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN