Phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm

Tổ chức sắp xếp lại nghề cá, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép và hạn ngạch khai thác hải sản, ngăn chặn từ xa không để tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài... là những giải pháp đã và đang được tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai quyết liệt nhằm từng bước cơ cấu lại nghề cá để phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Chú thích ảnh
Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân ở xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Khai thác đi đôi với trách nhiệm

Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 105 km, vùng lãnh hải rộng hơn 18.000 km2, Ninh Thuận được xác định là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Để nâng cao hiệu quả khai thác, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, ứng dụng lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại như máy máy dò cá, máy thông tin liên lạc, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực, bảo quản hải sản để vươn khơi, bám biển khai thác dài ngày.

Ngư dân Đào Nhật Định (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, khai thác xa bờ hiện là vấn đề “sống còn” của ngư dân. Nhờ được sự hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, gia đình bỏ thêm vốn đầu tư đóng mới tàu cá vỏ composite dài 24 mét trị giá 13 tỷ đồng. Năm 2018, tàu bắt đầu vươn khơi, nhờ áp dụng công nghệ hiện đại vào khai thác nên mỗi chuyến biển (20 ngày trở lên) đánh bắt được hàng chục tấn hải sản, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi từ 1 - 2 tỷ đồng mỗi năm. 

“Chúng tôi hoạt động theo tổ, đội ở vùng khơi từ Phú Yên xuống Bình Thuận, hằng năm ra quần đảo Trường Sa 3 đến 4 chuyến khai thác hải sản. Các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động các chủ tàu thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những quy định về chống khai thác IUU như gắn thiết bị giám sát hành trình và luôn bật máy 24/24 giờ, ghi nhật ký khai thác đầy đủ, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài để đảm bảo an toàn trong khai thác, đánh bắt xa bờ”, ông Định cho hay.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 2.291 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên; trong đó có 845 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ và có khoảng 18.000 lao động tham gia làm việc trên tàu cá (lao động làm việc theo vụ mùa chiếm khoảng 25%).

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, song song với hoạt động khuyến khích ngư dân vươn khơi, tỉnh quyết liệt triển khai hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đến nay, 100% số tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh đều đã được cấp giấy phép khai thác hải sản; tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,7% (trong đó 100% tàu cá từ 24 mét trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình); tỷ lệ tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 99,6%; hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Với sự nỗ lực vươn khơi và ứng dụng công nghệ trong khai thác, trong 9 tháng năm 2023, ngư dân Ninh Thuận khai thác được trên 115.204 tấn hải sản các loại, tăng 1,8% so cùng kỳ. Qua theo dõi và đánh giá, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đã có nhiều tiến bộ, đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác.

Hiện tại, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, tỉnh cũng chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận.

Nhiều mục tiêu dài hạn đặt ra

Chú thích ảnh
 Tàu thuyền đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Ninh Chữ (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận).

Xác định việc góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản không chỉ là mục tiêu duy nhất mà quan trọng là bảo vệ môi trường, tổ chức sắp xếp để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, mục tiêu của Ninh Thuận sẽ phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản, tương xứng với lợi thế, tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời gắn với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Về mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025, tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù về cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu để thay thế đối với các tàu mục nát, chìm đắm, mất tích, phá dỡ... nhưng phấn đấu đảm bảo tiêu chí cắt giảm số tàu trung bình hàng năm tổi thiểu từ 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi, 4% đối với tàu hoạt động vùng lộng và 5% đối với tàu hoạt động vùng biển ven bờ trên tổng số tàu cá hiện có của tỉnh, bắt đầu thực hiện từ năm 2023 và giảm dần tương tự trong giai đoạn 2026 - 2030.

Theo đó, tỉnh cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu theo hướng ưu tiên các nghề thân thiện với môi trường, tàu được cơ giới hóa cao trong các khâu khai thác và bảo quản sản phẩm, sử dụng vỏ tàu bằng kim loại, vật liệu mới; không cấp giấy chấp thuận đóng mới, cải hoán đối với tàu làm nghề lưới kéo. Đồng thời, chuyển đổi các nghề ven bờ, vùng lộng sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển về nghề nuôi biển.

Đối với nhóm tàu cá vùng khơi đang hoạt động sẽ hạn chế phát triển nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ, cho phép chủ tàu hoạt động kiêm nghề ít xâm hại môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản để chủ tàu có đủ thời gian và kinh phí tiếp cận với nghề chuyển đổi mới. Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận xây dựng các mô hình chợ đầu mối hải sản gắn với các cảng cá; xây dựng liên kết chuỗi khai thác - thu mua - bảo quản - tiêu thụ hải sản; dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển.

Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch với năm nhóm giải pháp thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn và cộng đồng ngư dân thấy được tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Hai tuần nước rút cho thực thi các giải pháp quyết liệt để chống IUU và gỡ ‘thẻ vàng’
Hai tuần nước rút cho thực thi các giải pháp quyết liệt để chống IUU và gỡ ‘thẻ vàng’

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, từ nay đến ngày phái đoàn EC sang kiểm tra chỉ còn khoảng 2 tuần. Đây là giai đoạn “nước rút” cho thực thi các giải pháp quyết liệt để chống IUU và gỡ “thẻ vàng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN