Áp lực tăng trưởng tín dụng nhưng không "bơm" tín dụng ồ ạt

Tính đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, là mức tăng khá chậm. Tuy nhiên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định: Ngân hàng vẫn đang nỗ lực tăng tín dụng vì huy động được tiền vào thì đều mong cho vay ra nhưng nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng.

Chú thích ảnh
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quan điểm của NHNN là tín dụng tăng vẫn phải đảm bảo hiệu quả đồng vốn, chất lượng tín dụng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến mức tăng trưởng tín dụng thấp là do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, số lượng đơn hàng sụt giảm, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều. Một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu nhiều mặt hàng tăng cao, sức mua của nền kinh tế trong nước và thế giới đều suy giảm, một số lĩnh vực như thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Những điều này tác động đến khó khăn của điều hành chính sách tiền tệ.

Các nguyên nhân khác còn do doanh nghiệp chưa đáp ứng được các thủ tục pháp lý, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa có nhiều nhu cầu tín dụng hoặc phương án hiệu quả kinh doanh không cao. Một số Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng DNNVV còn hạn chế về mặt tài chính, năng lực quản trị và cả phương án kinh doanh.

"Liệu ngân hàng đưa tiền vào rồi không thu hồi được thì có dám hay không?", lãnh đạo NHNN trăn trở. Trong bối cảnh hiện nay, một số doanh nghiệp không những không vay vốn thêm mà còn trả lại tiền vay trước đây. Chính phủ, NHNN đang quyết liệt tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng. Nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng.

Hiện, phía ngân hàng rất thấu hiểu và đều mong muốn lãi suất giảm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Với nguyên tắc tôn trọng thị trường, NHNN đã chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại (NHTM) từng bước giảm lãi suất cả hai chiều huy động và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

"Một vài ngày tới, NHNN sẽ làm việc với NHTM để tiếp tục giảm lãi bởi lãi suất điều hành mới đây lại tiếp tục giảm, các NHTM phải chia sẻ bằng việc cắt giảm nguồn lợi nhuận và chi phí điều hành để giảm lãi suất cho vay", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh. 

Quan điểm của NHNN rất muốn tăng trưởng tín dụng cao nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để bơm tín dụng ồ ạt, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh không? Vừa phải phấn đấu tăng trưởng tín dụng, vừa phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn đang là bài toán khó của NHNN trong thời gian tới. "Tiếp tục mở rộng tạo điều kiện cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng nhưng vẫn luôn đảm bảo không hạ chuẩn tín dụng, bởi hạ chuẩn là đi cùng với rủi ro, bất ổn. Nếu không kiểm soát tín dụng nợ xấu tăng. Hiện nay nợ tiềm ẩn, nguy cơ trở thành nợ xấu ở một số ngân hàng có biểu hiện tăng lên. Câu chuyện nợ xấu là vấn đề luôn phải đặt ra trong đảm bảo an toàn hệ thống", Phó Thống đốc NHNN chia sẻ.

Theo NHNN, lãi suất tiền gửi và cho vay mới đang có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Hiện nay, thanh khoản của nền kinh tế dồi dào, vốn cho nền kinh tế không thiếu. 

Thời gian tới, NHNN có đoàn công tác đi nắm tình hình về thủ tục, điều kiện của một số ngân hàng, xem ngoài quy định chuẩn của NHNN còn có những quy định gì không. Những quy định đảm bảo an toàn thì chấp nhận còn quy định phi lý thì phải chỉ đạo cắt bỏ.

Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của ngành Ngân hàng thời gian tới, ông Đào Minh Tú cho biết: NHNN tiếp tục tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu. Cùng với đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát. Ngoài ra, tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

NHNN sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD; tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Trước đó chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, ngân hàng cũng chịu áp lực tăng trưởng tín dụng, gắn liền với KPI (Chỉ số đo lường hiệu quả công việc) nhưng tìm "đỏ mắt" cũng chỉ có rất ít khách hàng đủ tiêu chí để cho vay vốn.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, kinh tế khó khăn khiến ngành Ngân hàng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Doanh nghiệp khó khăn trước, ngành ngân hàng theo đó bị tác động, thông thường từ 3 - 6 tháng sau đó. Từ cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng nên nhu cầu tín dụng trong những tháng đầu năm nay cũng giảm theo.

“Ngành Ngân hàng là trung gian nhận tiền gửi của dân. Người dân đến gửi tiền tại ngân hàng, ngân hàng không được phép từ chối. Nhận tiền gửi mà ngân hàng không cho vay ra được thì kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ. Mong muốn của các ngân hàng là được cho vay để mang lại hiệu quả. Do cầu của nền kinh tế yếu, thu nhập của người dân giảm, hấp thụ vốn quá thấp nên nhu cầu vay sụt giảm sâu ví dụ như mua bán tiêu dùng, đầu tư nhà cửa, thị trường bất động sản trầm lắng. BIDV cũng kỳ vọng thời gian tới, lãi suất tiếp tục giảm sẽ kích thích được nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của doanh nghiệp tuy nhiên cũng cần phải có độ trễ một thời gian”, Tổng giám đốc BIDV trăn trở.

Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp lúc này tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển DNV&N, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản... qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Clip Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ về cầu nền kinh tế yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận dòng vốn:

Tin, ảnh, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Cầu tiêu dùng yếu, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ 
Cầu tiêu dùng yếu, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ 

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định, theo đó đề xuất giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN