Bộ Tài chính khuyến khích mở rộng khoán kinh phí xe công

Theo văn bản mới nhất Bộ Tài chính gửi các Bộ, ban ngành, địa phương về sử dụng tiết kiệm tài sản công, Bộ khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê xe ô tô để phục vụ công tác.

Việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện nếu đơn vị thiếu xe ô tô so với tiêu chuẩn, định mức quy định. Sau khi rà soát, sắp xếp trong số xe ô tô hiện có thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương mà không có xe ô tô phù hợp để điều chuyển.

Về nguồn kinh phí mua xe đã được bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng theo quy định của pháp luật.

Đối với xe ô tô chuyên dùng, định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp; giá mua xe ô tô chuyên dùng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Định mức xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành theo thẩm quyền sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Với việc mua sắm xe ô tô đối với chương trình/dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài, đại diện Bộ Tài chính khẳng định: Không sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình/dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại để mua sắm xe ô tô.

Đối với Dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, các cơ quan, đơn vị, ban quản lý dự án có nhu cầu trang bị phương tiện đi lại, xe ô tô cần xây dựng phương án trang bị xe ô tô, phương tiện đi lại, phương án sử dụng, đối tượng sử dụng, nguồn kinh phí và khả năng bố trí kinh phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, báo cáo cơ quan chủ quản để lấy ý kiến Bộ Tài chính trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, mua sắm, tiếp nhận chương trình/dự án/khoản viện trợ phi dự án.

Về phương thức mua sắm xe ô tô, tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với xe ô tô trong năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1756/VPCP-KTTH ngày 27/02/2017 của Văn phòng Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện mua sắm xe ô tô theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Liên quan tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP ngày 06/01/2016 của Chính phủ và Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính; chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý rà soát, thực hiện thu toàn bộ các khoản thu được từ việc sử dụng tài sản công không đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật có liên quan để nộp vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc theo quy định, gửi lấy ý kiến của cơ quan tài chính về định mức diện tích trụ sở làm việc trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc.

Từ ngày 1/3, thành phố Hà Nội thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công phục vụ công tác chung tại các Sở Tài chính, Kế hoạch - đầu tư, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh & Xã hội và các quận Hà Đông, Long Biên, các huyện Thanh Trì, Gia Lâm. Theo phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội), Hà Nội có hơn 400 xe biển xanh, việc thí điểm lần này tại 8 sở ngành và quận huyện sẽ đi kèm thu hồi các xe, trong đó có 12 xe đã hết niên hạn sử dụng, 33 xe sẽ sắp xếp thanh lý. 

Sau khi nhận mức khoán (tối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng) lãnh đạo của 8 sở ngành, đơn vị Hà Nội có thể gọi taxi hay thuê xe ngoài để đi họp, công tác. 
Minh Phương
Khoán xe công, Hà Nội dự kiến tiết kiệm được 50 tỷ đồng/năm
Khoán xe công, Hà Nội dự kiến tiết kiệm được 50 tỷ đồng/năm

Từ 1/3, 8 đơn vị của thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện chủ trương khoán xe công. Hà Nội chủ trương đến 1/10/2017 sẽ khoán xe công đồng loạt tại các đơn vị và ước tính tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN