Cà phê được mùa, được giá, người trồng phấn khởi

Các hộ trồng cà phê tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang bước vào vụ thu hoạch rộ, cà phê năm nay được mùa, giá cà phê đang ở mức cao khiến nhiều người trồng rất phấn khởi.

Chú thích ảnh
Cà phê được mùa, được giá, người trồng phấn khởi. Ảnh: TTXVN

Gia đình ông Võ Ngọc Thanh, ở thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức có 400 gốc cà phê giống xanh lùn và giống ghép trồng xen canh với cây sầu riêng trên diện tích 1,8 ha đang thu hoạch được 2 năm cho biết, năm nay giá cà phê đang ở mức cao hơn mọi năm từ 16-22 nghìn đồng/kg.

Cụ thể, nếu như vụ cà phê năm ngoái gia đình ông chỉ bán được dao động từ 37-43 nghìn đồng/kg cà phê, năm nay mới đầu mùa gia đình ông đã bán được giá 58-59 nghìn đồng/kg. Điều đáng vui mừng hơn là năm nay vườn cà phê của gia đình ông cũng trúng mùa, dự kiến thu về hơn 2 tấn, với giá bán như hiện nay gia đình ông sau khi trừ chi phí dự kiến thu về hơn 100 triệu tiền lãi.

Nhận thấy thị trường giá cà phê nhân đang tăng, sức tiêu thụ lại rất tốt gia đình ông Thanh dự kiến sẽ trồng thêm từ 300 - 400 gốc cà phê xen thêm trên diện tích đất 1,8 ha của gia đình. Ông Thanh là một trong những nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có thời trồng cây cà phê, rồi khi giá xuống thấp ông đã chặt để chuyển qua trồng cây tiêu, khi tiêu rớt giá gia đình ông lại quay lại trồng cà phê xen với sầu riêng.

“Những năm trở về trước cây cà phê không có giá nên gia đình đã chặt để chuyển đổi sang trồng cây tiêu, sầu riêng… Tuy nhiên, sau một thời gian cây tiêu mất giá, cây sầu riêng lại quá khó chăm sóc, chi phí đầu tư phân, thuốc nhiều nên gia đình tôi lại quay lại trồng cây cà phê. Sau thời gian chuyển qua nhiều loại cây trồng khác, nhận thấy cây cà phê vẫn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí phân thuốc lại không nhiều, thu hoạch cũng không quá cực như thu hoạch tiêu, nếu giá bán ổn định như hiện nay, nông dân sẽ không phải chật vật khi trồng loại cây này”, ông Võ Ngọc Thanh chia sẻ.

Vườn của gia đình ông Lê Hoàng, ngụ thôn 3, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang có 9 sào đất trồng hơn 1.100 cây cà phê giống xanh lùn, cà phê của gia đình ông năm nay thu hoạch được 2 năm, cây đang độ sung sức nên vụ năm nay gia đình ông Hoàng đạt hơn 4 tấn hạt, cao gấp đôi so với năm ngoái. Với giá bán 59 nghìn đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lời khoảng 200 triệu đồng từ vụ cà phê này.

“Cà phê hiện nay vừa được giá, vừa được mùa, hầu như vườn nào xung quanh đây cũng đều trúng vụ, tiêu thụ lại rất dễ dàng, nông dân không có hàng để bán, có bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu”, ông Lê Hoàng chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu như năm 2022 diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh là 3.826 ha, đến nay diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đã bị giảm hơn 219 ha, còn hơn 3.643 ha. Mặc dù là cây trồng dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều nhưng những năm trước giá bán cà phê lại ở mức thấp khiến nhiều người không “mặn mà”.

Theo nhiều người trồng, nếu cà phê ở mức giá như hiện nay, người trồng có lãi và có động lực duy trì, phát triển loại cây trồng này.

Trước tình trạng diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang ngày càng giảm mạnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định 186/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt Kế hoạch trồng tái canh 108 ha cà phê; trong đó, huyện Xuyên Mộc với 30 ha, huyện Châu Đức với 78 ha, năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3-3,5 tấn nhân/ha; thu nhập trên một đơn vị diện tích cà phê sau khi trồng tái canh (giai đoạn năng suất ổn định) tăng 1,5 lần so với trước khi tái canh.

Việc thực hiện việc tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh.

Trong Kế hoạch, tỉnh yêu cầu diện tích cà phê đăng ký trồng tái canh phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng các điều kiện như: vườn cà phê già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền thấp dưới 2 tấn nhân/ha, vườn cà phê không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo; vườn cà phê trồng tái canh từ 1-3 năm tuổi bị bệnh vàng lá, thối rễ…

Những năm qua, giá cà phê ở mức khá thấp nên nhịp độ tái canh bị chững lại. Nay giá cà phê nhân ở mức cao nhất 15 năm qua là cơ hội để thúc đẩy các hộ nông dân mở rộng diện tích canh tác và tăng cường tái canh.

Khi cây cà phê đang có giá trở lại, sức tiêu thụ tốt, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khuyến cáo nông dân có ý định trồng mới lại cây cà phê cần lựa chọn giống cây cà phê phù hợp với thổ những, khí hậu, giống cây cà phê cũng phải có xuất xứ rõ ràng để đảm bảo về chất lượng cây trồng, nông dân nên nghiên cứu kỹ về thị trường, sức tiêu thị của cà phê nhân, không nên khi thấy có giá lại ồ ạt chạy theo trồng, để khi cây rớt giá lại chặt bỏ.

Hoàng Nhị (TTXVN)
Đẩy mạnh tuần tra, phòng ngừa nạn trộm cắp cà phê
Đẩy mạnh tuần tra, phòng ngừa nạn trộm cắp cà phê

Niên vụ cà phê 2023 tại Kon Tum bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch. Giá cà phê cao nên tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự, đặc biệt là tình trạng hái trộm cà phê ở một số nơi. Vì vậy, các địa phương của tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mất an ninh, trật tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN