Cần Thơ: Hơn 13 tỷ đồng xây dựng các tuyến kè chống sạt lở khẩn cấp

UBND thành phố Cần Thơ vừa có quyết định xây dựng hai công trình kè chống sạt lở khẩn cấp ở huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh với kính phí dự kiến hơn 13 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Chú thích ảnh
Đoạn kè chống sạt lở sông Ô Môn từ Rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu, thành phố Cần Thơ có chiều dài 950m, tổng kinh phí đầu tư 117 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 4/2023. 

Hai công trình gồm kè chống sạt lở khẩn cấp bờ phải Rạch Sung ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền và kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn (phía bờ Bắc) ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh; trong đó, kè chống sạt lở Rạch Sung có chiều dài 80m, kết cấu kè bán kiên cố, kết hợp thảm đá gia cố mái với kinh phí 4 tỷ đồng còn kè chống sạt lở kênh Cái Sắn chiều dài 70m, kết cấu kè kiên cố dạng bản sàn kết hợp cừ dự ứng lực, có thảm đá giá cố mái với kinh phí 9 tỷ đồng.

Đơn vị được giao làm chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ. Thời gian thực hiện năm 2022 và năm 2023.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, việc đầu tư xây dựng hai tuyến kè nói trên nhằm kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, chống sạt lở khẩn cấp ở Rạch Sung và kênh Cái Sắn để khẩn trương nối lại giao thông trên tuyến, đảm bảo việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân. Đồng thời, đảm bảo an toàn giao thông và kịp thời ngăn chặn sạt lở không tiếp tục lấn sâu vào phía bên trong nhà dân, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Cần Thơ đã ghi nhận 9 điểm sạt lở lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 16 căn nhà bị sạt một phần, tổng chiều dài ảnh hưởng của sạt lở 268m, thiệt hại ước tính hơn 2,6 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, những năm gần đây, tình hình sạt lở đã và đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn thành phố, gây ra thiệt hại lớn về người tài sản của nhân dân trên địa bàn.

Trong các năm qua, thành phố Cần Thơ rất quan tâm đến công tác phòng chống sạt lở, đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở bao gồm công trình và phi công trình để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, thời gian qua, địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông được dự báo sẽ diễn ra rất phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ gây ra thiệt hại lớn về người tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đủ vốn để đầu tư các tuyến kè ở những khu vực sạt lở đang bức xúc. Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông đang ngày càng diễn biến phức tạp, mới đây, thành phố Cần Thơ đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành bố trí nguồn vốn để thành phố xây dựng 4 công trình kè chống sạt lở khẩn cấp với kinh phí khoảng 750 tỷ đồng.

Bốn dự án kè Cần Thơ đề nghị Trung ương hỗ trợ có tổng chiều dài 5.150m; trong đó, có 3 dự án ở quận Bình Thủy (sông Trà Nóc và sông Bình Thủy) và 1 dự án ở huyện Vĩnh Thạnh (sông Cái Sắn). Mỗi công trình kè này có mức đầu tư dự kiến từ 100 - 300 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
Khẩn trương xử lý sạt lở đất, đá ảnh hưởng đến khu dân cư ở Đồ Sơn, Hải Phòng
Khẩn trương xử lý sạt lở đất, đá ảnh hưởng đến khu dân cư ở Đồ Sơn, Hải Phòng

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều khu vực núi của quận Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) bất ngờ bị sạt lở khối lượng lớn. Tình trạng sạt lở đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong khu vực về trước mắt cũng như lâu dài. Hải Phòng đang khẩn trương lên phương án, xử lý tình trạng này để ổn định đời sống nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN