Cấp bách khôi phục sản xuất sau giãn cách - Bài 2: Xây dựng phương án thích ứng an toàn

Trải qua gần 3 tháng sản xuất “3 tại chỗ” với quy mô hạn chế, năng suất giảm sút nghiêm trọng, đa phần doanh nghiệp đã cạn kiệt mọi nguồn lực dự trữ và phải cấp thiết xây dựng phương án khôi phục sản xuất ngay khi có thể.

Do đó TP Hồ Chí Minh chuyển từ phương châm “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhưng vẫn rất thận trọng.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

An toàn đến đâu, mở cửa đến đó

Song song với quá trình kiểm soát dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng các phương án phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn.

Ngày 30/9, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã công bố các nội dung của Chỉ thị mới về việc kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo đó, sau ngày 30/9, có 14 nhóm các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được cho phép hoạt động. Tuy nhiên, một số hoạt động vẫn sẽ bị giới hạn, như cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất; cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, các dịch vụ khác phục vụ cho khách tham quan được hoạt động tối đa 50% công suất với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch. Riêng hoạt động kinh doanh, dịch vụ quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử vẫn tiếp tục tạm dừng.

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân; nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi cung ứng lao động. Đặc biệt, bảm bảo hoạt động lưu thông hàng hoá giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 của Thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của Thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng. Vì vậy, Thành phố sẽ triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, với những tín hiệu tích cực trong kiểm soát dịch COVID-19 thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh có thể xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế theo 2 giai đoạn: từ 1/10/2021 -15/1/2022 và sau 15/1/2022.

Cụ thể, giai đoạn 1, khôi phục một phần các chuỗi sản xuất, thương mại, dịch vụ trên cơ sở đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19; giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trên cơ sở Thành phố đã cơ bản tiêm vaccine mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi, số ca bệnh được kiểm soát tốt và Thành phố lúc này đã giảm cấp độ nguy cơ từ cấp 3 xuống cấp 2 (theo hướng dẫn của Bộ Y tế).

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, việc hoạch định kế hoạch khôi phục kinh tế trong ngắn hạn và chiến lược phục hồi cho giai đoạn sau đại dịch đều phải dựa trên tình hình kiểm soát dịch COVID-19. Chính phủ và TP Hồ Chí Minh đều xác định phương châm sẽ “thích ứng an toàn, linh hoạt” nhưng cũng đi kèm với điều kiện “kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Dù tín hiệu – điều kiện mở cửa đã rõ nét hơn trước nhưng vẫn phải rất cận trọng vì nếu để tái diễn tình trạng “mở nhanh – đóng vội” thì thành quả chống dịch nhiều tháng qua sẽ vô nghĩa.

Doanh nghiệp chủ động thích ứng

Chú thích ảnh
Xe vận tải hàng hóa sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất lưu thông, không để đứt gãy cung ứng hàng hóa. Ảnh: TTXVN

Sau một thời gian duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã chủ động củng cố điều kiện y tế tại chỗ, sẵn sàng cho lộ trình khôi phục sản xuất trong điều kiện thích nghi với COVID-19.

Ông Trịnh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết, trong thời gian thực hiện tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, doanh nghiệp đã chủ động bố trí khu vực cách ly riêng biệt và thiết bị y tế cần thiết để xử lý tình huống có F0 cần cách ly, điều trị tại chỗ. Khu vực cách ly y tế cũng được xem là vùng đệm để sàng lọc thêm lao động xanh và phát huy hiệu quả trong việc tăng số lượng lao động có thể tham gia sản xuất cho nhà máy.

Theo ông Trịnh Tiến Dũng nhờ chủ động tổ chức khu y tế tại chỗ mà Đại Dũng là một trong số ít doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” an toàn trong gần 3 tháng qua với số lượng gần 2.000 lao động, chiếm gần 90% tổng số nhân công của công ty. Do đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục sản xuất “3 tại chỗ” đến giữa tháng 10, đồng thời vẫn duy trì khu vực cách ly và thiết bị y tế đủ khả năng cách ly, điều trị trường hợp F0 tại chỗ ngay cả khi Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Tương tự, nhiều thành viên của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cũng xác định sẽ duy trì “3 tại chỗ” đến ngày 15/10 và đang tích cực tăng cường y tế tại chỗ để bước vào giai đoạn “thích ứng linh hoạt với COVID-19”.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn cho đội y tế tại chỗ với sự hướng dẫn của các chuyên gia dịch tễ và các bác sĩ điều trị. Một số doanh nghiệp còn chuẩn bị cả đã máy thở oxy dự phòng, thiết lập khu chăm sóc y tế riêng kết nối với y tế địa phương để tổ chức cách ly, chăm sóc sức khỏe khi có người lao động nhiễm bệnh.

Ngoài việc củng cố y tế tại chỗ, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu để khôi phục hoạt động sản xuất ngay khi các địa phương nơi đặt nhà máy cho phép.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hawa thông tin, trong 3 tháng (7,8,9/2021), do yêu cầu giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phía Nam, số lượng doanh nghiệp đáp ứng được “3 tại chỗ” rất ít nên sản lượng đồ gỗ sản xuất được giảm sâu. Nhiều doanh nghiệp phải thương lượng với khách hàng nước ngoài dời thời gian giao hàng.

Tuy nhiên, sang quý IV thì doanh nghiệp khó có thể thương lượng tiếp vì các đối tác cần hàng cho mùa mua sắm trong dịp cuối năm. Do đó, ngay khi các địa phương cho phép khôi phục sản xuất, doanh nghiệp ngành gỗ phải “tăng tốc” ngay.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua các doanh nghiệp ngành gỗ đã tích cực chuẩn bi nguồn nguyên liệu cả trong nước và nhập khẩu. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu m3 gỗ quy tròn nguyên liệu. Sản xuất bị đình trệ nhưng trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã đạt khoảng 4 triệu m3 gỗ quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020 dù giá gỗ nguyên liệu tăng cao hơn 20% so với trước.

Ngoài nguồn gỗ nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng rà soát lại các nguồn cung gỗ trong nước, chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu để đẩy nhanh tiến độ khôi phục sản xuất, cố gắng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 13-14 tỷ USD và giữ vững vị thế trên thị trường đồ gỗ thế giới.

Bài 3: Đối diện nhiều thách thức

Xuân Anh (TTXVN)
Cấp bách khôi phục sản xuất sau giãn cách - Bài 1: Những hệ lụy không nhỏ
Cấp bách khôi phục sản xuất sau giãn cách - Bài 1: Những hệ lụy không nhỏ

Sau thời gian dài áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội, việc kiểm soát dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã có những tín hiệu khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN