Chuyển từ gia công phần mềm sang làm sản phẩm tích hợp

Theo Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) - Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn gia công lắp ráp sang làm sản phẩm tích hợp.

Chuyển hướng làm sản phẩm tích hợp

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT nhận định, công nghiệp hóa thực sự là quá trình dài và cần sự kiên trì. Kinh nghiệm từ các quốc gia châu Á đã thành công trong phát triển công nghiệp ICT sẽ phải qua 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn gia công lắp ráp sẽ tận dụng ưu thế lao động dồi dào, trình độ chưa đồng đều nhưng chi phí cạnh tranh; giai đoạn làm sản phẩm tích hợp, từng bước tham gia chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất và tối ưu hóa quy trình; giai đoạn làm sản phẩm, tự chủ một số công nghệ lõi.

Chú thích ảnh
Giới thiệu ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.

Với 3 giai đoạn trên, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Việt Nam đang ở giai đoạn gia công lắp ráp và bắt đầu làm sản phẩm tích hợp. Sản xuất thông minh sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp Việt tự động hóa các quy trình, tối ưu hóa chi phí sản xuất và nhanh chóng có sản phẩm đến người dùng.

Trong 3 năm qua, lĩnh vực công nghiệp ICT Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển khởi sắc của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã có hoạt động sản xuất thông minh, cung cấp dịch vụ sản xuất thông minh và từng bước làm các sản phẩm tích hợp. “Các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động xác định thị trường, phân khúc phù hợp và có bước đầu tư công nghệ bài bản, lâu dài”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Dẫn chứng Toyota mất 34 năm và Hyundai sau 28 năm mới có thể tự sản xuất, làm chủ công nghệ động cơ ô tô, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư để làm chủ sản xuất, làm chủ công nghệ cũng sẽ cần những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Còn Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: “Nghị quyết 29 đã xác định công nghiệp công nghệ số là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi của công nghiệp công nghệ số. Tuy nhiên, phát triển sản xuất thông minh ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khó khăn và thách thức đan xen”.

Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, công bố tháng 11/2021 cho thấy, trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như rô-bốt, sản xuất đắp lớp 3D.

Còn báo cáo của CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ, công bố tháng 3/2021, cho thấy chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; tỷ lệ doanh nghiệp có R&D (Trung tâm nghiên cứu sáng tạo) trong các ngành sản xuất còn rất thấp như: Ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%.

Do đó, để phát triển, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng Make in Viet Nam; đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D; phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam; các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang sản xuất thông minh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số… “Đây là vấn đề cần được chú trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay”, ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ

Từ góc nhìn của doanh nghiệp công nghệ thông tin, bà Phan Thị Thanh Ngọc, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số của VNPT-IT cho rằng, để phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam nhanh và bền vững, cần có sự kết hợp giữa sức mạnh tự cường và khả năng hợp tác quốc tế, giữa nhà nước mạnh và thị trường mạnh.

Đại diện VNPT-IT đưa ra 5 đề xuất về chính sách phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, đó là chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp và chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam; xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; thu hút vốn đầu tư FDI; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

Chú thích ảnh
Nền tảng số Make in VietNam hỗ trợ công tác chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhanh hơn.

Với góc nhìn của doanh nghiệp tham gia phát triển các nền tảng số Make in VietNam phục vụ chuyển đổi số, bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc MISA nhận định, Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong việc phát triển công nghiệp công nghệ số. Đó là, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ có khả năng nhạy bén với các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, khoa học dữ liệu… Mặt khác, các giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam có giá thành hợp lý, thiết kế phù hợp với đặc thù các đơn vị, tổ chức và cá nhân tại Việt Nam, tối ưu hiệu năng hơn so với những hệ thống phần mềm nước ngoài.

Theo bà Đinh Thị Thúy, các doanh nghiệp nhà nước nên tập trung làm những nền tảng, hạ tầng số mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, tạo bệ phóng cho người dân và doanh nghiệp tư nhân phát triển. “Các cơ quan, bộ, ban, ngành cần tập trung xây dựng thể chế chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn đối với phần mềm do tư nhân phát triển nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghệ của người Việt, đóng góp vào sự phát triển chung của công nghệ thông tin trong nước”, bà Đinh Thị Thuý kiến nghị.

Cụ thể về định hướng đầu tư nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy chuyển đổi số, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số - FPT Digital cho biết: “Đơn vị đầu tư rất lớn vào nghiên cứu,cử những kỹ sư hàng đầu tham gia những chương trình mới và mời chuyên gia trên thế giới để giúp công nghệ Việt Nam có vị thế tốt hơn và từ đó tạo ra giá trị cao hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đầu tư phát triển các trường đại học, với các khoa giảng dạy về trí tuệ nhân tạo, trung tâm tại Quy Nhơn với quy mô đầu tư khoảng 2.000 tỷ để xây dựng đội ngũ kỹ sư Trí tuệ nhân tạo chất lượng cao, ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới”.

Còn theo ông Sarat Kumar Saikia, Giám đốc tư vấn giải pháp quản trị rủi ro và tài chính - Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho rằng: Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận khoản vay ngân hàng, dẫn tới tình trạng 12,5% doanh nghiệp chấp nhận hình thức vay nặng lãi (tín dụng phi chính thức). Ngân hàng cũng mong muốn có những kênh kết nối, tiếp cận tới doanh nghiệp nhanh chóng, hiệu quả. Do đó, việc ứng dụng Blockchain giúp kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, giải quyết bài toán tổng thể về tài trợ vốn trong giao dịch thương mại cho các doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ số đối với các doanh nghiệp sau giai đoạn hậu COVID-19 đang cần các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang sản xuất thông minh, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.

XM/Báo Tin tức
Tích hợp dữ liệu phải có sản phẩm cụ thể hữu ích cho người dân
Tích hợp dữ liệu phải có sản phẩm cụ thể hữu ích cho người dân

Ngày 12/6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý II/2023 với các cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) các Bộ ngành và 63 Sở TTTT địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN