CPI tháng 11 chỉ tăng 0,34%

Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2013 đã tăng 0,34% so với tháng trước.


Theo TCTK, mức tăng 0,34% này là mức tăng thấp nhất của tháng 11 trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều này cho thấy xu hướng giảm tốc của CPI đã rõ rệt hơn sau khi xu hướng này được xác lập vào các tháng trước. Xu hướng giảm tốc này cũng được thể hiện rõ nét khi so sánh với cùng tháng năm trước. Ở so sánh này, CPI đã giảm rất mạnh từ mức 7,5% vào tháng 11 năm trước về mức thấp là 5,78% vào tháng này.


Trước đó, không ít ý kiến nhận định: CPI tháng 11 sẽ tăng so với tháng trước ở mức khoảng 0,5 - 0,6% và thậm chí còn cao hơn do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố làm tăng giá như mưa bão, lũ lụt gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu và sản xuất lương thực, thực phẩm ở miền Bắc, miền Trung; thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu mua sắm một số mặt hàng tăng lên và quy luật tăng giá các mặt hàng tiêu dùng vào cuối năm.


Mức tăng khá thấp của CPI còn cho thấy cầu tiêu dùng của dân cư vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục và khả năng lạm phát cả năm 2013 chắc chắn sẽ ở mức thấp. Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, nếu CPI tháng 12 so tháng 11 tăng thấp hơn hoặc bằng 0,47% thì lạm phát cả năm sẽ ở mức dưới 6%. 


Mức tăng 0,34% của tháng 11 là sự cộng hưởng của 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước. Sau khi tăng mạnh (0,85%) vào tháng trước, tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng thấp hơn ở mức 0,62% trong đó lương thực tăng 1,29%, thực phẩm tăng 0,56% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,17%. Giá lương thực chung cả nước tăng 1,29% chủ yếu là do miền Bắc vừa trải qua một vụ mùa có sản lượng không cao lại cộng thêm các ảnh hưởng của cơn bão số 14 vừa qua nên nguồn cung bị ảnh hưởng lớn.


Theo phân tích của một chuyên gia từ TCTK, đối với nhóm hàng lương thực, mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm mạnh nhưng giá gạo trong nước lại có dấu hiệu tăng là do những loại gạo xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam không phải là những loại gạo được tiêu thụ phổ biến ở trong nước. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân vào dịp cuối năm không tăng cao nên dự báo giá cả mặt hàng lương thực tháng tới sẽ tăng nhưng không đột biến.


Hai nhóm hàng có mức tăng cao kế tiếp là nhóm may mặc, giầy dép và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng mới mức tăng tương ứng 0,35% và 0,41% so với tháng trước. Các mặt hàng do nhà nước quản lý là nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giáo dục sau khi hoàn thành việc điều chỉnh tăng trong năm nay đã chỉ tăng nhẹ 0,07% và 0,1% so với tháng trước. Ở chiều ngược lại, hai nhóm hàng giảm giá là nhóm giao thông giảm 0,34% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

 

MP

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN