Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong bảo trì đường bộ

“Cần áp dụng vật liệu mới, khoa học công nghệ vào quản lý, bảo trì để mang lại hiệu quả, kéo dài tuổi thọ cho các con đường, cây cầu”, đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đường bộ Việt Nam diễn ra ngày 22/12, tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Sửa chữa trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh minh họa: Trần Tĩnh/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động Cục đường bộ Việt Nam trong năm qua; trong đó đặc biệt là việc chuyển đổi thành công mô hình từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam một cách nghiêm túc, đúng pháp luật, đoàn kết, đồng lòng, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bắt tay ngay vào công việc mới. 

Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, ngành đường bộ là ngành có ảnh hưởng và tác động mạnh đến đời sống xã hội, đặc biệt là việc đi lại của người dân, do đó để giảm áp lực này, ngành đường bộ phải làm tốt từ việc xây dựng định hướng chiến lược, quy hoạch ngành kết nối với quy hoạch của địa phương, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là xây dựng kết nối được các phương thức vận tải nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam đổi mới tư duy và cách làm trong bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng giao thông; trong đó cần áp dụng vật liệu mới, khoa học công nghệ vào quản lý, bảo trì để mang lại hiệu quả, kéo dài tuổi thọ cho các con đường, cây cầu. Đồng thời trong năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam phải đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, ứng dụng chính phủ điện tử, trong đó dữ liệu hạ tầng đường bộ, giấy phép lái xe phải được kết nối đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan thuộc các bộ, ngành.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị và địa phương cùng sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể công chức, viên chức, người lao động, Cục Đường bộ Việt Nam đã đồng lòng, vượt qua khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022. 

Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Mô hình tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ được nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ, đã tạo ra sự đồng thuận trong việc xây dựng Đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam về tổ chức bộ máy, nhân sự, thể chế để thay đổi mô hình quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ từ ba cấp thành hai cấp; giảm thiểu tác động trong quá trình thay đổi tổ chức, đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai Chính phủ điện tử, duy trì cung cấp 99 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 96 dịch vụ mức độ 4, 3 dịch vụ mức độ 3). Hoàn thành kết nối hơn 35 triệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và vận hành chính thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia từ ngày 15/11/2022.

Hoàn thành công tác thu phí điện tử tự động không dừng trên toàn quốc theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải: 147 trạm thu phí với tổng số 857 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng; các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng hoàn toàn từ ngày 01/8/2022; các trạm thu phí mở trên các tuyến quốc lộ đã được vận hành thu phí điện tử không dừng theo phương án chỉ duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy; đến 01/12/2022, có 4.245.323 phương tiện trên toàn quốc đã dán thẻ đầu cuối, đạt tỷ lệ 92%.

Công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, đường cao tốc năm 2022 đạt được nhiều thành tích, góp phần phát triển bền vững hệ thống đường bộ, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đã chỉ đạo khắc phục 41 điểm ngập lụt do nước biển dâng và biến đổi khí hậu các quốc lộ tại Đồng bằng Sông Cửu Long; sửa chữa gần 1.000 km đường bộ, trên 100 cầu và nhiều công trình khác để bảo đảm chất lượng công trình và cải thiện chỉ số cơ sở hạ tầng giao thông theo bộ chỉ số Diễn đàn kinh tế thế giới.

Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai được triển khai đồng bộ, kịp thời từ khâu xây dựng kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, chuẩn bị lực lượng và cơ sở vật chất, phân công thực hiện; đặc biệt công tác khắc hậu quả đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời với sự vào cuộc của lực lượng tại chỗ, lực lượng chi viện của đơn vị khác, hỗ trợ của chính quyền, nhân dân địa phương; đặc biệt sự chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và sự quản lý điều hành của Cục Đường bộ Việt Nam, các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải. Do đó hậu quả thiên tai sớm được khắc phục, công trình được bảo vệ, giao thông sớm được khôi phục hoàn toàn. 

Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo hoàn thành công tác lắp đặt camera giám sát trên 100% phương tiện kinh doanh vận tải và truyền dữ liệu về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam để theo dõi, xử lý vi phạm theo quy định…

Quang Toàn (TTXVN)
Giải ngân vốn bảo trì đường bộ đạt gần 42%
Giải ngân vốn bảo trì đường bộ đạt gần 42%

Thông tin về kết quả giải ngân nguồn vốn bảo trì đường bộ trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Giao thông vận tải giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam gần 10.500 tỷ đồng và đến hết ngày 27/6/2022, đơn vị đã giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng, đạt gần 42%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN