Đến năm 2025, Bình Định sẽ có 250 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên

UBND tỉnh Bình Định cho biết đã xây dựng kế hoạch 116/KH-UBND phát triển sản phẩm OCOP của địa phương giai đoạn 2023-2025 thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Chú thích ảnh
Sản phẩm bánh tráng của Công ty TNHH Sachi Nguyễn đang xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Ảnh tư liệu: Tường Quân/TTXVN

Theo đó, Bình Định phấn đấu đến giai đoạn 2023-2025, phát triển công nhận khoảng 250 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; đồng thời chuẩn hóa hoàn thiện và phát triển 217 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận giai đoạn 2018-2022; trong đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, tổ hợp tác và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.

Đến năm 2025, dự kiến Bình Định sẽ hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP đặc trưng, lợi thế của các địa phương; xây dựng được ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,…); phấn đấu có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh.
 
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ hình thành mới hoặc cấu trúc lại bộ máy tổ chức vận hành của chủ thể kinh tế; trọng tâm là hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bài bản, chuyên nghiệp về quy trình sản xuất, phân phối, tiếp thị; tạo các mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP góp phần lan tỏa Chương trình OCOP trong cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng gắn với bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của người dân; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Đồng thời, tỉnh sẽ hình thành và triển khai phương án sản xuất kinh doanh để phát triển sản phẩm OCOP theo liên kết chuỗi; xây dựng liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương; chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường... UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương liên quan để triển khai hiệu quả nhất.

Bình Định có 217 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến mới, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy trình sản xuất; thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho các thương lái thì nay đã được mở rộng, đưa vào đại lý, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước...

Sỹ Thắng (TTXVN)
Hà Nội kết nối đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng
Hà Nội kết nối đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Là địa phương đi đầu cả nước về triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN