Doanh nghiệp gặp khó chờ đợi chính sách điện mặt trời mái nhà

Nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp đang gặp khó khăn khi các chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay chưa rõ ràng.

Khoảng trống pháp lý

Ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, địa phương có 6 khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu xanh và sử dụng điện mặt trời trên mái nhà.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy gặp khó khi có nhu cầu kết nối, ký hợp đồng sử dụng loại năng lượng này. Theo văn bản từ Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, các công ty điện lực trong khu vực đã tạm dừng việc thỏa thuận kết nối điện mặt trời vào mạng lưới điện quốc gia. Điều này làm cho các doanh nghiệp địa phương mất phương hướng và chưa thể đưa ra các giải pháp phù hợp.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt về chi phí đầu tư. Để đầu tư sản xuất 1 MW điện cần khoảng 13 tỷ đồng, điều này khiến cho các doanh nghiệp lo ngại khó thu hồi vốn. Ngoài ra, một nhược điểm khác là mùa nóng miền Bắc nói chung chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, lượng ánh sáng mặt trời không đủ mạnh như miền Trung và Nam, dẫn đến lượng năng lượng tiêu thụ không đáng kể, làm giảm lợi nhuận so với chi phí đầu tư ban đầu.

Mặc dù tỉnh Nam Định đã gửi văn bản yêu cầu Bộ Công Thương hỗ trợ việc sử dụng điện mặt trời trên mái nhà cho khu công nghiệp, nhưng vẫn chưa có cơ chế hoặc quy định cụ thể từ phía chính phủ để giải quyết triệt để vấn đề trên. Trong thời gian tới, tỉnh Nam Định mong muốn các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương có các hướng dẫn cụ thể hơn về các tiêu chuẩn và phương pháp thực hiện việc xây dựng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Chú thích ảnh
Các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái bể nước tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, ngành Dệt may cần nguồn năng lượng xanh để có chứng chỉ xanh sản xuất sản phẩm, nên đã có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp lắp đặt điện mái nhà. 

Tuy nhiên, từ năm 2021 khi cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời theo quyết định 13/2020 không còn hiệu lực, có dự án phải dừng lại hoặc dù đã lắp đặt nhưng chưa được đấu nối. Điều này tạo nên "khoảng trống pháp lý". 

Vì vậy, trong chính sách mới cần làm rõ khái niệm “tự sản tự tiêu”, gắn với chính sách tổng thể và hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư, an toàn phòng cháy hoặc cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện. 

Tương tự, bà Trần Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ cho biết nhà đầu tư rất quan tâm các khu công nghiệp có năng lượng tái tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tuy vậy, chính sách hiện nay lại chưa rõ ràng, nên việc lắp đặt hệ thống này gặp khó khăn. 

Sớm hoàn thiện chính sách

Ông Lã Hồng Kỳ, chuyên viên chính văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành Năng lượng cho hay, dù chưa có chính sách khuyến khích, chưa có thỏa thuận đấu nối, nhưng từ năm 2021 đến nay đã có 400 MW điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp và khu thương mại được lắp đặt, do các doanh nghiệp có nhu cầu chứng chỉ xanh trong sản xuất.

Vì vậy, với nhiều thủ tục hiện còn vướng, ông Kỳ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, quy trình lắp đặt, thử nghiệm, vận hành bảo dưỡng, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng thiết bị. 

Trước đó, trong văn bản góp ý với Bộ Công Thương về dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là loại nguồn điện được khuyến khích, nhưng theo VCCI các chính sách phát triển liên quan chưa minh bạch, thống nhất và còn nhiều cách hiểu khác nhau tại mỗi địa phương.

Theo VCCI, dự thảo của Bộ Công Thương, người dân, doanh nghiệp khi lắp điện mặt trời mái nhà phải nộp hồ sơ xin phép UBND tỉnh, thành phố, nhưng không nêu rõ trường hợp nào được chấp thuận hoặc không. Điều này, theo VCCI, có thể dẫn tới sự tùy tiện trong thực thi, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Hệ thống điện áp mái không liên kết với lưới quốc gia cũng phải đăng ký với địa phương, được đánh giá là không cần thiết. VCCI nhận xét các trường hợp này đa phần dùng tấm pin nhỏ cho các thiết bị không vận hành liên tục (như máy bơm), khó tác động đến an toàn lưới điện. Vì vậy không cần quản lý bằng thủ tục hành chính.

Hay các thủ tục về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường với điện mặt trời mái nhà cũng chưa rõ ràng và áp dụng khác nhau tại các địa phương. Chẳng hạn, có địa phương coi điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, nơi lại coi đây là thiết bị lắp thêm, dẫn đến thủ tục áp dụng khác nhau. "Bộ Công Thương cần rà soát các quy định khi sửa để thống nhất, giúp doanh nghiệp, người dân áp dụng thuận lợi", VCCI đề nghị.

Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, các nguồn điện mặt trời mái nhà có thể được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm. Tức là người dân và doanh nghiệp có thể được trả tiền khi bán lượng điện dư thừa lên lưới điện quốc gia. Bộ Công Thương cũng đề nghị cho phép lắp đặt không cần theo Quy hoạch Điện VIII và hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.

Nhấn mạnh thời gian vô cùng gấp rút, Bộ Công Thương đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập triển khai các hoạt động lấy ý kiến, hoàn thiện Dự thảo 1 và Dự thảo 2 của Nghị định trong tháng 4/2024, sớm trình Chính phủ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới.

Thu Trang/Báo Tin tức
Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp
Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

Chiều 11/4, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với VEPR tổ chức Diễn đàn "Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN