Doanh nghiệp Việt cần thích ứng với yêu cầu phát triển xanh của EU

Dư địa thúc đẩy thương mại và mở rộng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh chấu Âu (EU) nhằm đưa doanh nghiệp Việt tiến sau vào chuỗi cung ứng còn rất lớn nhưng để tận dụng được cơ hội đó, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi để thích ứng với các yêu cầu phát triển xanh, bền vững của khu vực này.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm 2023: “Phát triển bền vững – Đích đến trong hành trình kiến tạo chuỗi giá trị tương lai” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức ngày 27/11, tại Tp. Hồ Chí Minh. 

Chú thích ảnh
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương phát biểu.

Cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng của khu vực và toàn cầu với lợi thế cạnh tranh lớn từ vị trí địa kinh tế thuận lợi và hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia.

Sau đại dịch và các bất ổn địa chính trị đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhiều đối tác lớn trên thế giới; trong đó, có EU đang chủ trương đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung và lựa chọn Việt Nam như một điểm đến chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2022 đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 46,82 tỷ USD, tăng 16,7%, với 10 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. 

Bước sang năm 2023, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đáng kể đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này. Riêng quý III/2023, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 15,12 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên sự suy giảm này được nhận định là tạm thời và đang có dấu hiệu cải thiện khi đà giảm đã chậm lại đáng kể (so với mức giảm 10% của quý I và 9,7% của quý II/2023). Bên cạnh đó, kinh tế EU đang dần phục hồi với mức lạm phát tiếp tục được điều chỉnh sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu dùng hàng hóa tại khu vực trong thời gian tới; nhập khẩu cũng sẽ dần cải thiện khi tồn kho giảm và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao. 

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã phát huy tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai Bên. Kể từ sau EVFTA đi vào hiệu lực, đã có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu thị trường, hàng hoá Việt Nam dần mở rộng sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách tại Đông Âu, Bắc Âu, Nam Âu với tốc độ tăng trưởng ấn tượng; đồng thời, cơ cấu chủng loại mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU cũng ngày càng đa dạng; không chỉ tập trung vào các mặt hàng chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị phụ tùng; giày dép; dệt may mà còn đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Chú thích ảnh
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham Việt Nam phát biểu.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham Việt Nam nhận định, chuỗi cung ứng toàn cầu đã trải qua một sự chuyển đổi lớn trong những năm gần đây, do tác động của sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Khi lỗ hổng của chuỗi cung ứng một nguồn ngày càng trở nên rõ ràng, nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hoá thị trường cũng tăng lên. Tính bền vững cũng đã trở thành một ưu tiên khác trong chuỗi cung ứng, được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong khoa học công nghệ như: AI, blockchain và internet vạn vật. 

Theo ông Gabor Fluit, nhờ vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á, Việt Nam trở thành cửa ngõ tự nhiên cho các doanh nghiệp quốc tế đang tìm cách mở rộng thị trường đầu tư, kinh doanh tại châu Á. Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn khi có lợi thế lực lượng lao động trẻ, lành nghề, chi phí cạnh tranh.

Cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh gần đây nhất của EuroCham cho thấy, có 31% thành viên EuroCham xác định Việt Nam là một trong ba điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu của họ, trong khi hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết có kế hoạch tăng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam từ cuối năm 2023. Sự bùng nổ đầu tư này, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao cho thấy hiệu quả của các FTA mà Việt Nam tham gia đang biến nơi đây thành điểm đến chiến lược cho các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.

Xanh hoá sản xuất

Ông Gabor Fluit nhận định, trong xu hướng xanh hoá sản xuất, hướng đến mục tiêu cân bằng phát thải của EU, cam kết của Việt Nam về các tiêu chuẩn bền vững mạnh mẽ sẽ là động lực chính thu hút FDI, đặc biệt là từ châu Âu. Bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn xanh toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hàng hóa và sản phẩm thân thiện với môi trường, Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu đáng tin cậy hơn cũng như khuyến khích dòng vốn mới của châu Âu đổ vào các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.  

Để khai thác hiệu quả thương mại và đầu tư với EU, việc tuân thủ các quy định của EU như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chỉ thị thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) chính là chìa khóa. Việc Việt Nam áp dụng chính sách định giá carbon phù hợp với CBAM sẽ giúp cho xuất khẩu của nước này có tính cạnh tranh. Hơn nữa, việc tuân thủ các chỉ thị của CSDDD thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh bền vững, minh bạch. Với việc tuân thủ, Việt Nam sẽ bảo vệ các mối quan hệ thương mại hiện có với EU và mở ra cơ hội cho các mối quan hệ mới. 

Chú thích ảnh
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm 2023. 

Theo ông Gabor Fluit, việc tuân thủ các quy định mới của thị trường đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư đáng kể vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tiến bộ công nghệ xanh và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, Việt Nam cần có chính sách thu hút nhân tài có tay nghề cao, thực hiện các chương trình đào tạo, điều chỉnh các chương trình giáo dục và thiết lập các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về giảm phát thải, giám sát môi trường; đầu tư vào hệ thống theo dõi dữ liệu để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường, không chỉ ở EU mà sẽ là xu hướng chung trên thế giới. 

Ông Tạ Hoàng Linh cho rằng, quá trình chuyển dịch kinh tế toàn cầu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, đòi hỏi Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở cao, phải nhanh chóng thích ứng, chủ động tham gia vào tái cấu trúc chuỗi cung ứng mới, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thời cơ là hiện hữu, tuy nhiên để tận dụng hiệu quả, đón đầu các cơ hội hợp tác mới đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn từ cả phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, Chính phủ Việt Nam đang tích cực khơi thông mọi nguồn lực cho ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế; mở rộng, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng; chú trọng chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

“Về phía các doanh nghiệp hơn lúc nào hết cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao nhận thức và năng lực nội tại để nhanh chóng thích nghi và phát triển theo lộ trình xanh và bền vững. Đây cũng là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu và là con đường bắt buộc để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Theo đó, nỗ lực xanh hóa sản xuất, thực hiện các trách nhiệm môi trường, xã hội cần phải được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi trao đổi. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, Vinamilk đã thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn từ rất lâu bởi đó là nhu cầu cấp thiết. Chỉ một thời gian ngắn nữa, không chỉ châu Âu mà hầu hết thị trường thế giới đều yêu cầu các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn xanh, bền vững; nếu doanh nghiệp không đáp ứng thì không thể cạnh tranh được. 

Khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi sản xuất xanh của hầu hết doanh nghiệp chính là vấn đề đầu tư bao gồm cả đầu tư về vốn cho công nghệ và đầu tư đào tạo con người. Để thực hiện được việc chuyển đổi, cần quyết tâm rất lớn từ người lãnh đạo doanh nghiệp và sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ nhân viên.

“Chi phí đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi có thể là rào cản, là thách thức nhưng bù lại chi phí vận hành sau chuyển đổi sẽ thấp hơn, hình ảnh thương hiệu được đánh giá cao hơn, mức độ tin cậy đối với người tiêu dùng tăng lên giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nhiều thị trường hơn. Có thể nói, lợi ích thu về khi doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững theo yêu cầu của thị trường sẽ lớn hơn chi phí đầu tư chuyển đổi.”, ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ thêm.

Tin, ảnh: Xuân Anh (TTXVN)
EU ghi nhận sự phát triển và năng lực của Việt Nam về chuyển đổi xanh
EU ghi nhận sự phát triển và năng lực của Việt Nam về chuyển đổi xanh

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ và Nghị viện châu Âu (EP), tối 15/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Brussels (Bỉ), đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Mẫn dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu (INTA) Bernd Lange.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN