Giải mã giá điện tăng

Vì nhiều lý do, trong đó có áp lực tăng giá than, ngành điện đã tăng giá bán lẻ thêm 5% kể từ ngày 1/8/2013. Như vậy, sau hơn 7 tháng kể từ lần điều chỉnh gần đây nhất (tháng 12/2012), Bộ Công Thương mới quyết định tăng giá điện. Ngành Công Thương cam kết người nghèo không ảnh hưởng từ lần tăng giá này, còn các doanh nghiệp sản xuất - khách hàng lớn của ngành điện - thì không tránh khỏi nỗi lo.


Người nghèo không lo, “nhà giàu” khốn đốn


Lần điều chỉnh giá bán điện này của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá. Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi.


Quy trình luyện gang, thép cần rất nhiều điện, than.
Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” phát trên truyền hình đầu tuần này khẳng định: “Dù có điều chỉnh giá nhưng chủ trương của Đảng và Nhà nước với đối tượng người nghèo, các gia đình chính sách vẫn giữ không thay đổi và việc hỗ trợ 30.000 đồng mỗi tháng cho một hộ nghèo về tiền điện vẫn giữ như hiện nay”.


Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện trong quá trình sản xuất, kinh doanh như sắt, thép, xi măng... thì khá lo lắng.


Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng thẳng thắn bày tỏ: “Điện đang chiếm từ 10 - 15% giá thành sản xuất của ngành xi măng. Giá điện tăng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành thêm khó khăn”. Hiện nay, gần một nửa số doanh nghiệp xi măng đang làm ăn thua lỗ, thậm chí ngừng một phần hoạt động hoặc chuyển sang làm dịch vụ nghiền gia công cho các đơn vị khác.


Một số doanh nghiệp thép đang hoạt động cầm chừng, cắt giảm tối đa chi phí. Thậm chí có các doanh nghiệp phải dừng sản xuất. Giữa cơn bĩ cực, lại gặp cảnh giá điện tăng, các doanh nghiệp than trời. Với họ, chuyện tăng giá sản phẩm chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Điều đó càng “gây khó” cho doanh nghiệp khi tính tới đầu ra cho sản phẩm. Khi doanh nghiệp không thể tiếp tục gánh lỗ nữa, họ buộc phải tăng giá. Tác động gián tiếp của tăng giá điện lên giá cả thị trường là không thể không tính đến.


Các chuyên gia kinh tế nhận định: Giá điện tăng cùng với sự tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tác động nhất định tới nền kinh tế. Chỉ tính riêng trong tháng 8, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 0,12%.


Tính toán lại chi phí


“Nếu tính toán, theo EVN, để bù lỗ cho giá than và giá khí tăng, phải điều chỉnh tăng giá điện ít nhất là 10%”, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết. “Trước khó khăn của nền kinh tế và thị trường, cùng với việc chia sẻ với người tiêu dùng, EVN đã đề xuất chỉ tăng 5%. Phần còn lại EVN sẽ bù bằng cách tăng cường khai thác từ thủy điện và các nhà máy điện đã hết khấu hao làm giảm giá thành sản xuất điện của EVN”.


Riêng khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá và bù lỗ do mua điện giá cao chạy dầu DO và FO những tháng mùa khô năm 2010 và 2011, EVN khẳng định sẽ lấy từ các khoản lãi của EVN để bù vào, không lấy việc tăng giá điện để bù lỗ các khoản này.


Theo ông Tri, năm nay EVN phấn đấu để xóa phần lỗ 7.900 tỷ đồng trong sản xuất kinh doanh điện từ các năm trước. Còn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá 15.000 tỷ đồng sẽ xử lý trong năm 2014 - 2015.


Trong khi đó một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các yếu tố đầu vào của ngành điện thời gian qua, chỉ duy nhất giá than tăng mới thuyết phục được người dân. Nếu vin vào các yếu tố khác như cơ cấu nguồn điện, tỷ giá, EVN sẽ gặp bất lợi rất lớn. Bởi vì tỷ giá thời gian qua luôn ổn định và chỉ được tính chủ yếu ở khâu nhập máy móc, thiết bị đầu tư và hạch toán trong xây dựng cơ bản.


Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, muốn tạo được sự đồng thuận trong xã hội, yêu cầu phải công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình. “Đợt tăng giá lần này sẽ mang về khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng cho EVN từ nay đến hết năm. Điều đó cũng đồng nghĩa nền kinh tế phải tăng chi thêm ngần đó. Trong đó, các ngành sản xuất sẽ tăng chi phí thêm khoảng 1.800 tỷ đồng”, ông Thỏa nói.


Một chuyên gia khác cho rằng, bộ máy cồng kềnh của EVN như hiện nay và việc thất thoát trong đầu tư là nguyên nhân khiến giá điện khó có thể giảm. 


Ngành điện lấy lý do tăng giá là để bù lỗ. Tuy nhiên, với mức tăng 5%, dự kiến Tập đoàn thu được khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, vẫn chưa đủ bù lỗ do giá than và khí tăng tới 6.000 tỷ đồng. Với khoản lỗ gần 8.000 tỷ đồng còn treo lơ lửng lâu nay, liệu ngành điện có tiếp tục chịu được áp lực?


Các chuyên gia kinh tế nhận định: Nếu như tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn giữ ở mức ổn định, việc tăng giá điện lần này sẽ khiến EVN bù đắp phần nào chi phí sản xuất điện. Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính của EVN. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, nếu giá than, giá khí và giá dầu tiếp tục biến động cũng sẽ tác động lớn đến giá điện những tháng tiếp theo. Và như vậy, bức tranh tài chính của EVN xem ra vẫn chưa thể có màu sáng.



P.V.H

“Méo mặt” thích ứng với giá điện mới
“Méo mặt” thích ứng với giá điện mới

Là các đơn vị sử dụng nhiều điện nên đại diện cho các DN sản xuất thép và xi măng đón nhận thông tin giá điện tăng không mấy vui vẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN