Giải pháp để chăn nuôi lợn phát triển ổn định và bền vững

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi lợn cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành bước ra thế giới.

Clip giải pháp để chăn nuôi lợn phát triển ổn định và bền vững:

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), để ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, Cục Chăn nuôi sẽ thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trước hết là tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả thể chế của ngành chăn nuôi. Tiếp đó là nâng cao hiệu quả quản lý, cũng như phát triển giống vật nuôi nội địa. Đông thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. Cũng theo ông Đăng, cần tiếp tục đẩy mạnh giảm giá thành trong sản xuất.

Tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn trong tình hình mới ngày 27/7 ở Hà Nội, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành chăn nuôi phải bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước ngành chăn nuôi.

"Tiềm năng lợi thế của ngành chăn nuôi lợn là rất lớn, nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu. Cần hướng tới xuất khẩu. Ra biển khắc biết bơi. Đây là giải pháp căn cốt nhất để nâng cao sức tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh cho toàn ngành", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đây là những đề án về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ và cũng là những căn cứ pháp lý quan trọng, xuyên suốt trong một thời gian dài. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu ngành thú y cần kiện toàn hệ thống theo Quyết định 414/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030.

Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi lợn cần thay đổi tư duy. Theo đó, chăn nuôi lợn không chỉ hướng tới thị trường trong nước, mà cần hướng đến xuất khẩu, cần đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu. Ngành chăn nuôi cũng cần tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ đối với thức ăn chăn nuôi; tăng cường hợp tác quốc tế; công tác khuyến nông và xây dựng cơ bản.

Các doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để đưa ngành chăn nuôi bước ra thế giới. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với nhà máy chế biến, gắn với chuỗi để có vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Thứ trưởng Tiến cũng đề nghị ngành thú y cần tập trung giải pháp để phát triển đảm bảo nguồn cung thịt lợn trước trong và sau Tết Nguyên đán.

Để phát triển chế biến trong chăn nuôi, không chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Chăn nuôi, mà các địa phương cũng cần chủ động trong việc tăng cường thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi.

Chú thích ảnh
Khu chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu được thiết kế phòng lạnh, nửa chuồng xi măng, nửa chuồng được rải đệm lót sinh học giúp đàn lợn được ấm khi trời lạnh và mát khi trời nóng. Ảnh: TTXVN.

Bình Phước là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi lợn tại khu vực Đông Nam bộ. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến tháng 6/2023, tỉnh có khoảng 2 triệu con, với sản lượng thịt xuất chuồng ước gần 250 nghìn tấn.

Bên cạnh thuận lợi, tỉnh gặp một số khó khăn như trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; khó khăn trong báo cáo, kê khai hoạt động chăn nuôi tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ...

Theo ông Phương, việc bãi bỏ Thông tư 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 khiến công tác quản lý môi trường chăn nuôi, quy định xử lý động vật chết không rõ nguyên nhân chưa rõ ràng.

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết, tỉnh có quy mô tổng đàn lợn xấp xỉ 1 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là quy mô vừa và nhỏ; và chăn nuôi nông hộ (chiếm khoảng 60% tổng đàn), còn lại chăn nuôi trang trại khoảng 40% với các tập đoàn lớn như Masan, Darby, CP, Thành Đô...

Ông Học cho rằng, tình hình tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các loại vật tư khác tăng cao. Hầu hết các cơ sở rất hạn chế trong việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn...

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa thì cho rằng, chăn nuôi luôn là mũi nhọn phát triển của tỉnh. Với tổng đàn 1,3 triệu con, Thanh Hóa đứng tốp đầu cả nước về chăn nuôi lợn.

Theo ông Chọn, dù có những điểm khởi sắc, nhưng Thanh Hóa vẫn vấp phải những vấn đề chung của cả nước, như số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn khá lớn, chưa đẩy mạnh được liên kết theo chuỗi, tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường.

Tại Việt Nam, chăn nuôi lợn là một trong những phương thức chính của người dân, đặc biệt là tại khu vực nông hộ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, chăn nuôi lợn gặp phải nhiều thách thức như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chất lượng con giống phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác.

 

L. Sơn/Báo Tin tức
Vaccine dịch tả lợn châu Phi được phép sử dụng rộng rãi trên cả nước
Vaccine dịch tả lợn châu Phi được phép sử dụng rộng rãi trên cả nước

Ngày 24/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN