Giảm lãi suất huy động để 'kích' vay

Từ nay đến cuối năm, một trong những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là phấn đấu đưa lãi suất toàn bộ các khoản vay về dưới 13 - 15%/năm; kiên quyết duy trì ổn định tỷ giá.


Giảm lãi suất huy động để “kích” vay


Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, hiện có khoảng 14% dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng có lãi suất dưới 10%/năm; lãi suất từ 10 - 13%/năm chiếm xấp xỉ 50%; từ 13 - 15%/năm chiếm khoảng 24%; lãi suất trên 15%/năm chiếm 22%. Đại diện NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay trong hệ thống ngân hàng đã phù hợp để tính toán lãi suất cho vay.

 

Đưa lãi suất cho vay xuống dưới 13%/năm


“Mức lãi suất cho vay ngắn hạn nên ở mức dưới 10%/năm và với trung, dài hạn ở mức dưới 12%/năm là hợp lý. Hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đều đưa lãi suất về dưới 13%/năm, mục tiêu của NHNN sắp tới là hạ lãi suất cho vay xuống dưới 13%/năm”, lãnh đạo NHNN nói. Theo NHNN, hệ số sử dụng vốn (thanh khoản) của các ngân hàng đã cải thiện đáng kể từ mức 120% vào cuối năm 2011, xuống dưới 98% trong năm 2012 và đến thời điểm này còn dưới 92%. Trên thế giới, hệ số của các ngân hàng chỉ vào khoảng 65%, trong điều kiện của Việt Nam thì nên ở mức 80%.


Khách hàng giao dịch gửi tiền theo lãi suất mới tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng. Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Thông báo mới đây của NHNN cho hay: Lãi suất huy động VND của hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định. Cụ thể: Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã thấp hơn mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND theo quy định của NHNN (7,5%/năm). Hiện nay, lãi suất huy động của các TCTD phổ biến ở mức 1,5 - 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn 1 tháng đến dưới 12 tháng là 5 - 7,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 8 - 10%/năm.


Do mặt hàng lãi suất huy động đã hạ; đồng thời hưởng ứng chủ trương của NHNN giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn nên thời gian qua, các NHTM đã giảm mạnh lãi suất cho vay. Đơn cử mới đây, Ngân hàng Á Châu (ACB) triển khai chương trình “Tài trợ nhập khẩu lãi suất ưu đãi” dành cho các doanh nghiệp nhập khẩu với quy mô 2.000 tỷ đồng, mức lãi suất vay VND ưu đãi giảm 30% so với mức lãi suất vay VND thông thường...


Để tiếp tục triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11/2013/TT - NHNN dành cho các cá nhân và doanh nghiệp, với mức lãi suất 6%/năm, các NHTMCP Công thương (Vietinbank), NHTMCP Ngoại thương, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đã hưởng ứng tích cực. Trong đó, VietinBank đã hợp tác, liên kết với các đối tác là chủ đầu tư dự án uy tín có những dự án xây dựng chung cư, nhà ở chất lượng tốt. Theo đó, VietinBank ký kết hợp tác với Viglacera để tài trợ vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà dự án, đồng thời tài trợ các dự án do Viglacera hoặc các đơn vị thành viên là chủ đầu tư.

 

Đầu cơ USD sẽ gây áp lực tăng lãi suất


Từ đầu tháng 6/2013 đến nay, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên tục tăng giá và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. NHNN đã “bắt mạch” được vấn đề này và dự kiến tới đây sẽ áp dụng nhiều giải pháp để giữ ổn định tỷ giá.


Lý giải nguyên nhân gần đây tỷ giá “nóng” trở lại, Thống đốc NHNN cho rằng: Nhu cầu thị trường trong hai tháng gần đây tăng chủ yếu là do nhập siêu. Tuy nhiên về tổng thể, cán cân thanh toán vẫn thặng dư và cung của thị trường vẫn đáp ứng được cầu. Trong năm nay, tỷ giá sẽ biến động không quá 2 - 3%.


Đại diện NHNN nhấn mạnh: NHNN đã định hình mặt bằng tỷ giá thì các NHTM nên nghiêm túc tuân thủ. “Chúng ta đang có mặt bằng lãi suất tương đối hợp lý và nếu có điều kiện, vẫn phải giảm xuống nữa. Nếu các ngân hàng cứ đầu tư quá mức trên thị trường ngoại tệ, sẽ dẫn tới sức ép tăng lãi suất, mà như thế sẽ triệt tiêu kết quả đạt được. Đừng vì lợi ích của ngân hàng nào đó mà phá vỡ lợi ích chung", Thống đốc nói.


Trước tình hình trên, “tư lệnh” ngành ngân hàng khẳng định: Nếu các ngân hàng quá tập trung kinh doanh, đầu tư trên thị trường ngoại tệ, NHNN sẽ buộc phải hút tiền về thông qua nhiều kênh khác nhau, chẳng hạn như tăng dự trữ bắt buộc. Trong những tháng cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, thường xuyên rà soát số liệu dự báo cán cân thanh toán quốc tế để có cơ sở đánh giá cung cầu ngoại tệ, theo đó điều hành tỷ giá phù hợp; sẽ phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ VND, hạn chế sự dịch chuyển sang USD.


Đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết, NHNN cần giảm trần huy động USD đối với khách hàng cá nhân từ 2% xuống 1,5%, thậm chí 1%/năm để tạo khoảng cách an toàn giữa lãi suất VND, USD và chủ trương hạ lãi suất USD là đúng.


Trao đổi với phóng viên Tin Tức ngày 25/6, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: Thời gian tới, nếu NHNN có định huớng giảm mạnh lãi suất huy động ngoại tệ sẽ rất tốt cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu. Điều đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp vay USD với lãi suất hạ sẽ giảm được chi phí kinh doanh. Tuy nhiên hạ lãi suất huy động USD trong thời điểm nào, liều lượng ra sao, NHNN cũng nên cân nhắc kỹ.

 

Bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB Bank): Nhiều DN tốt được hưởng lãi suất dưới 13%/năm Hiện nay, những doanh nghiệp (DN) thuộc diện ưu tiên, phương án tài chính tốt, rõ ràng đã được ngân hàng giảm mức lãi suất các khoản vay xuống dưới 13%/năm. Một số DN chưa được giảm là do họ chưa tìm được giải pháp phát triển kinh doanh cụ thể. Nếu họ có giải pháp khả thi, chúng tôi sẵn sàng tài trợ vốn với lãi suất phù hợp để hỗ trợ họ. Nếu như năm ngoái, chính sách tín dụng của MB không đầu tư tập trung vào nguồn vốn trung và dài hạn thì năm nay ngay từ đầu năm, Tổng Giám đốc MB đã chỉ đạo hệ thống MB phải cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn. Vì vậy, năm nay MB đã có gói tín dụng ưu đãi trị giá 1.000 tỷ đồng cho DN nhỏ và vừa vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, chủ trương của ngân hàng là cho DN vay để phát triển sản xuất, kinh doanh chứ không khuyến khích DN xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị. Để nguồn vốn tín dụng được hấp thụ, MB kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tiền tệ kích thích tăng trưởng kinh tế; kích cầu; giải quyết các vấn đề triệt cho DN như giải phóng hàng tồn kho; định hướng kinh doanh cho DN. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, hệ thống ngân hàng cần nỗ lực lớn vì hiện nay, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có nhưng thấp. Nguyên nhân chính là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Chúng tôi sẵn sàng tài trợ nguồn tín dụng giá rẻ cho DN nhưng đó phải là những DN làm ăn hiệu quả, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

 

Ông Phạm Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank): Dư địa hạ lãi suất không còn nhiều Hiện nay, lãi suất của Vietcombank đối với các khoản vay là từ 13 - 15%/năm, không có khoản vay với lãi suất trên 15%/năm. Vừa rồi, NHNN đưa ra định hướng chính sách tiền tệ rõ ràng, tạo điều kiện hỗ trợ NHTM về thanh khoản. Đây là yếu tố tích cực giúp ngân hàng cân nhắc giảm lãi suất cho vay. Tôi cho rằng, việc phấn đấu đưa các khoản vay với lãi suất xuống dưới 13%/năm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay và huy động đã giảm mạnh nên dư địa hạ lãi suất cũng không còn nhiều. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi biến động tích cực trên thị trường như chỉ số giá tiêu dùng (CPI); nhu cầu thanh khoản trên thị trường tiền tệ... Giảm lãi suất có thể khiến doanh thu của ngân hàng bớt đi nhưng tổng dư nợ lại tăng lên. Như vậy, lợi ích tổng thể cho ngân hàng sẽ lớn hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN