Gỡ khó nguồn cung vật liệu cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1

Sáng 1/3, tại thành phố Cao Lãnh, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp để nắm tình hình thực hiện, giải quyết khó khăn, vướng mắc và đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. 

Sau khi nghe các đơn vị, địa phương báo cáo về tiến độ thi công dự án, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt những kết quả tích cực.

Ông Lê Quốc Phong chỉ đạo, đến cuối tháng 5/2024, địa phương cố gắng giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công. Các đơn vị tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công cầu; điều tiết cát từ dự án khác trên địa bàn tỉnh cho Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 để tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cầu.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cát cung ứng cho dự án nói trên, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện hoàn tất những thủ tục khai thác cần thiết đối với 3 mỏ cát phục vụ cao tốc, trên tinh thần quyết tâm cao, rút ngắn thời gian, đảm bảo đúng quy định và pháp luật. Trong tháng 3/2024 phải giải quyết xong các thủ tục pháp lý để tiến hành khai thác, đưa cát vào công trình. Khi có cát về công trình, đơn vị thi công cần tăng ca, tăng kíp làm việc nhằm đảm tiến độ thi công dự án - ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, đến nay đã có 541/548 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền 525,741/535,395 tỷ đồng, đạt 98,2%. Tuy nhiên, vẫn còn 7 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vì khiếu nại yêu cầu nâng giá bồi thường về đất, công trình nhà ở, cây trồng; thắc mắc về giá bồi thường; đang lập thủ tục thừa kế. Hiện nay, diện tích đã bàn giao mặt bằng cho dự án là 100,44/101,14 ha, đạt 99,3%.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 đã khởi công xây dựng vào ngày 25/6/2023. Đến nay, đã lựa chọn nhà thầu 14/16 gói thầu; chuẩn bị lựa chọn nhà thầu 2/16 gói thầu. Về tiến độ thi công xây dựng, đã đắp cát 8,3/20,3 km đường công vụ; đắp cát 1/14,6 km tuyến đường chính; đang tổ chức thi công tại 16/19 cầu… Giá trị thực hiện 336/2.540 tỷ đồng, đạt 13,2%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang đánh giá, so với kế hoạch, tiến độ thực hiện phần cầu và dầm sàn liên tục đáp ứng theo kế hoạch, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Còn tiến độ thi công phần đường chậm hơn so với kế hoạch do nguồn cung cấp cát khan hiếm.

Năm 2024, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 có nhu cầu cát đắp nền là hơn 1,7 triệu m3. Tuy nhiên, 3 mỏ cát do UBND tỉnh Đồng Tháp giao để cung ứng cho dự án đến nay vẫn đang thực hiện những thủ tục để đưa vào khai thác, chưa cung cấp cát cho dự án. Nguyên nhân do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát san lấp) áp dụng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 106/2023/QH15.

Dự án công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 có chiều dài hơn 27 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7.496 tỷ đồng. Dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 được chia thành 2 dự án thành phần; trong đó, dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng với chiều dài 16 km, điểm đầu tại Km0+000 thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh và điểm cuối tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Dự kiến, dự án thành phần 1 hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2025.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Tháo gỡ mặt bằng, vật liệu, tổng lực thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II
Tháo gỡ mặt bằng, vật liệu, tổng lực thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II

Đại công trường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II (2021 - 2025) đang huy động hơn 600 mũi thi công, gần 6.500 đầu máy móc thiết bị chuyên dụng và hơn 15.000 kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động... trải dài trên các công trường dự án thi công, đảm bảo tiến độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN