Hà Nội lý giải nghi vấn buýt nhanh BRT 'đội giá'

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội vừa lên tiếng về những thông tin gây 'sóng' dư luận báo chí gần đây liên quan đến dự án xe buýt nhanh BRT.

Theo đó, thời gian gần đây dư luận báo chí đề cập, nhận xét và cung cấp nhiều số liệu, thông tin liên quan đến công tác quản lý, thực hiện dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Để giúp cho việc cung cấp thông tin một cách minh bạch, chính xác và kịp thời cho dư luận nhân dân, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (đơn vị mới nhận bàn giao nhiệm vụ Chủ đầu tư từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) đã lý giải một số vấn đề liên quan.

Giá trị dự án BRT là khoảng 35 triệu USD

Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội được phê duyệt từ năm 2007, sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (theo hiệp định tín dụng được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ngày 22/11/2007). Dự án bao gồm 03 hợp phần: Hợp phần xe buýt nhanh (BRT); hợp phần xây dựng đường Vành đai 2; hợp phần tăng cường thể chế.

Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2016 (là ngày hết hạn hiệp định tín dụng) và Ban QLDA đang tập trung hoàn chỉnh các hồ sơ thanh quyết toán theo đúng các quy định. Dự án cũng đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện các hợp phần theo đề nghị của Chủ đầu tư.

Hành khách lên xe buýt nhanh BRT tại nhà chờ Giảng Võ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Về tổng mức đầu tư của dự án, tại Quyết định phê duyệt dự án lần đầu (số 1837/QĐ-UBND ngày 10/5/2007) tổng mức đầu tư là 452,42 triệu USD (vốn vay WB là 134,35 triệu USD; Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) viện trợ không hoàn lại là 11,15 triệu USD; vốn NSTP là 306,92 triệu USD).

Trong quá trình thực hiện dự án, do thay đổi quy mô, phạm vi và chế độ chính sách trong công tác GPMB nên Dự án phải phê duyệt điều chỉnh 3 lần tại các quyết định số 1821/QĐ-UBND ngày 22/02/2013; số 1146/QĐ-UBND ngày 16/3/2015; số 826/QĐ–UBND ngày 18/02/2016 và tổng mức đầu tư tại lần điều chỉnh cuối cùng là 332,599 triệu USD (vốn vay WB là 115,592 triệu USD; vốn quỹ GEF là 11,15 triệu USD; vốn NSTP là 205,851 triệu USD).

Như vậy, sau khi điều chỉnh dự án lần cuối cùng, tổng mức đầu tư giảm 119,821 triệu USD và thực tế theo giá trị dự toán được duyệt cũng như giá trị quyết toán chính thức chắc chắn sẽ thấp hơn tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Riêng về hạng mục BRT, tổng giá trị thực hiện đến thời điểm kết thúc dự án khoảng 35 triệu USD, thấp hơn so với giá trị trong tổng mức đầu tư được duyệt là 53,6 triệu USD.

Khoảng 5,03 tỷ đồng/xe buýt BRT

Về công tác đấu thầu gói đoàn xe BRT, gói thầu đoàn xe được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi trong năm 2014 theo đúng các quy định của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới; Kết quả đấu thầu đã được Sở GTVT (chủ đầu tư) phê duyệt tại Quyết định số 1367/QĐ-SGTVT ngày 20/10/2014 với giá trúng thầu là 11.656.061 USD (trong đó đã bao gồm chi phí vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí kiểm tra xe và thuế); Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Openasia Equipment Limited - Volvo Bus.

Tuy nhiên do việc thương thảo, đàm phán hợp đồng với nhà thầu liên danh này không thành công nên Sở Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-SGTVT ngày 18/3/2015 hủy đấu thầu. Lý do cơ bản của việc đàm phán, thương thảo hợp đồng không thành công là do nhà thầu đã đưa ra các điều kiện làm thay đổi các điều kiện chung đã quy định trong hồ sơ mời thầu và không chấp nhận yêu cầu của bên mời thầu (nhằm tránh các rủi ro cho phía mời thầu) về điều khoản tạm ứng, thanh toán hợp đồng, đồng thời không chấp nhận thực hiện gia hạn hiệu lực của HSDT cũng như gia hạn bảo lãnh dự thầu tương ứng theo yêu cầu của bên mời thầu.

Sau khi hủy thầu và được sự thống nhất của Ngân hàng Thế giới, Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (cũ) thuộc Sở GTVT triển khai công tác đấu thầu lại theo đúng các quy định và đã được Sở GTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (Quyết định số 2257/QĐ-SGTVT, ngày 05/11/2015) với giá trị trúng thầu là 176,29 tỷ đồng (tương đương 7,9 triệu USD), trong đó đã bao gồm chi phí vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí kiểm tra xe và thuế.

Nhà thầu trúng thầu là Liên danh công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải. Thời gian giữa lần đấu thầu thứ nhất và thứ 2 cách nhau khoảng 8 tháng (không phải 1 tháng như báo đã nêu).

Liên quan đến thông tin dư luận báo chí nêu về giá trị gói thầu phê duyệt điều chỉnh là 12.349.855 USD. Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc BQL Dự án giải thích thực chất đây là giá trị dự toán (không phải giá trúng thầu) đã được cập nhật bổ sung thêm các chi phí trong nước cho các loại thuế, phí và lệ phí cũng như chi phí dự phòng theo quy định và một số khoản chiphí trong dự toán này sẽ không tính trong giá gói thầu để xét thầu.

​Về giá xe buýt BRT, Trưởng Ban quản lý dự án cho rằng thực tế giá xe buýt BRT do Nhà thầu Trường Hải cung cấp theo quyết định phê duyệt trúng thầu khoảng 5,03 tỷ đồng/xe (trong đó giá xe đã bao gồm thuế là 4,91 tỷ đồng/xe, còn lại là các chi phí vận hành, đào tạo lái xe và nộp thuế VAT...).

Xe buýt BRT có thiết kế riêng với sàn xe cao và cửa mở bên trái (khác xe buýt thông thường) với sức chứa 90 hành khách và có hệ thống đóng mở cửa tự động khi tiếp cận cửa nhà chờ, xe buýt BRT được thiết kế với các đặc tính, thông số kỹ thuật cao như: Động cơ Hino của Nhật Bản; hộp số tự động 6 cấp của Cộng hòa Liên Bang Đức; hệ thống treo khí nén, kết hợp với hệ thống điều khiển nâng hạ sàn tự động của Cộng hòa Liên Bang Đức; hệ thống điều khiển bậc tự động tiếp cận thuận lợi với bậc nhà chờ; chế độ bảo hành kéo dài hơn và xe được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để đảm bảo cho việc vận hành đoàn xe BRT được thuận lợi, sau khi thống nhất với Ngân hàng Thế giới và được UBND Thành phố chấp thuận cho phép bổ sung thêm các hạng mục  vào gói thầu đoàn xe bao gồm: Hệ thống dây cáp tín hiệu và tủ rack, thiết bị lắp đặt trên xe đảm bảo vận hành cho xe BRT; hệ thống đóng, mở cửa tự động giữa nhà chờ và trên xe (hệ thống này được lắp trên nhà chờ)... với kinh phí khoảng 17,7 tỷ đồng.

Các hạng mục bổ sung này đã được Sở GTVT phê duyệt thiết kế, dự toán và được triển khai lắp đặt trên xe và tại các nhà chờ đảm bảo đưa xe BRT vào vận hành đồng bộ, Hiện tại, toàn bộ gói thầu đoàn xe chưa được quyết toán.

Giá trị thật của các gói thầu bảo hiểm

Về các gói thầu bảo hiểm thông tin về các gói thầu bảo hiểm của dự án có giá trị rất lớn, Ban QLDA xin đính chính lại thông tin và cung cấp giá trị thực tế của các gói thầu bảo hiểm theo quyết định phê duyệt, cụ thể như sau:

Bảo hiểm công trình Gói thầu số 01b/BRT-XL: Xây dựng đường và trạm xe bus từ Khuất Duy Tiến – bến xe Yên Nghĩa có giá trị 122 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với thông tin quý báo nêu là 121,597 tỷ đồng;

Bảo hiểm công trình gói thầu số 04h/BRT-XL: Gia cường cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Thái Hà có giá trị 20 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với thông tin quý báo nêu là 19,972 tỷ đồng;

Bảo hiểm công trình xây lắp gói thầu số 01c/BRT-XL: Xây dựng đường từ Bộ Y Tế - Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ có giá trị 7,6 triệu đồng/ thấp hơn rất nhiều so với thông tin báo chí nêu là 7,554 tỷ đồng;

Bảo hiểm công trình xây lắp gói thầu số 01f/BRT-XL: Xây dựng khu bảo dưỡng sửa chữa trong bến xe Yên Nghĩa có giá trị 20 triệu đồng/ thấp hơn rất nhiều so với thông tin quý báo nêu là 20,326 tỷ đồng.

Về các gói thầu thuộc hợp phần tăng cường thể chế: Một số gói thầu thuộc hợp phần tăng cường thể chế sử dụng vốn Viện trợ không hoàn lại (quỹ GEF)như báo chí đã nêu đều chưa thực hiện quyết toán. Thực tế khi nghiệm thu và lập hồ sơ quyết toán các gói thầu này đều thấp hơn so với dự toán và hợp đồng đã ký (ví dụ như: Gói thầu hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị và Thành lập cơ quan quản lý giao thông công cộng PTA; Gói thầu tuyên truyền và truyền thông BRT; Gói thầu hoạt động tăng cường thể và đào tạo... Sơ bộ tính theo khối lượng đã nghiệm thu đều thấp hơn dự toán và hợp đồng đã ký).

Do đây là dự án sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới nên ngoài việc thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng thì trong quá trình thiết kế, lập dự toán, đấu thầu còn phải tuân thủ theo các quy định và thông lệ quốc tế cũng như chịu sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của Ngân hàng Thế giới.

Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, trong đó có hợp phần xe buýt nhanh (BRT) lần đầu tiên triển khai đầu tư tại Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ và có ảnh hưởng đến chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng, phát triển hạ tầng đô thị của Thủ đô. Dự án được triển khai trong nhiều năm, qua nhiều thời kỳ và đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Dự án đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện và hiện nay Ban QLDA, Sở GTVT đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công tác tổ chức giao thông để vận hành tuyến BRT một cách hiệu quả theo đúng mục tiêu của dự án.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Xe buýt điện - một giải pháp cho giao thông đô thị

Nếu theo đúng lộ trình của đề án “Thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách trong khu vực trung tâm thành phố” của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh thì hiện là thời điểm thành phố đã có xe buýt điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN