Hoàn thiện pháp luật kinh doanh rượu qua thương mại điện tử

Hiện nay, các quy định về quản lý kinh doanh rượu và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chia sẻ tại lễ công bố.

Chia sẻ tại “Lễ công bố chương trình đào tạo trực tuyến và tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức ngày 24/11, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, trong những năm gần đây mua sắm hàng hóa qua các trang thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng tiêu dùng mới, đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người bán hàng.

Trước xu thế đó, Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua năm 2019 và Nghị định 24/2020/ND-CP hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã chính thức cho phép kinh doanh rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, kèm theo các quy định nhằm đảm bảo kinh doanh rượu hợp pháp, an toàn trên nền tảng thương mại điện tử. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn và thương nhân kinh doanh nhóm mặt hàng này, bởi các quy định pháp lý trên mở ra cơ hội mở rộng kênh kinh doanh, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp chủ động tìm hiểu tuân thủ pháp luật. 

“Kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử có thể là một hình thức mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, thương nhân tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn. Chương trình đào tạo trực tuyến cung cấp đầy đủ những thông tin và hướng dẫn cần thiết cho các doanh nghiệp mong muốn triển khai hoạt động kinh doanh này tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Việt cho biết.

Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề liên quan. Sau hội nghị, VBA và VECOM sẽ đăng chương trình tập huấn lên website, để các doanh nghiệp quan tâm có thể dễ dàng khai thác, thực hiện tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.

Đại diện Liên minh các Doanh nghiệp rượu Quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương (APISWA) chia sẻ, APISWA đặc biệt đề cao trách nhiệm tuân thủ cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và đồng hành với các cơ quan hữu quan quản lý kinh doanh rượu trên nền tảng thương mại điện tử. Chương trình đào tạo trực tuyến tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh rượu theo hình thức thương mại điện tử góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, thương nhân tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, qua đó tận dụng tối đa lợi ích mà nền kinh tế số mang lại, vì sự phát triển của tất cả các bên.

Chia sẻ tại sự kiện ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu tính đến tháng 8/2022, trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn), Bộ Công Thương đã tiếp nhận 130 hồ sơ thông báo, đăng ký website, ứng dụng thương mại điện tử có bán rượu và đã duyệt 40 hồ sơ đáp ứng điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.

Theo ông Sơn, quy định về bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử được ghi nhận tại Điều 16 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời, tuân thủ theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, việc quản lý người mua rượu trên Sàn giao dịch thương mại điện tử đang gặp khó khăn trong việc xác định người đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua bia, rượu. Việc xác định đối tượng nhận hàng đủ 18 tuổi hay không cũng gặp khó khăn. 

“Theo quy định, hình thức thanh toán đối với kinh doanh rượu, bia trên sàn, thương mại điện tử sẽ áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên, với cơ chế thông qua bên vận chuyển để giao hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không áp dụng được triệt để, không đảm bảo xác định được người mua có đủ 18 tuổi hay không”, ông Sơn cho hay.

Đặc biệt, hiện nay, các sản phẩm rượu được làm giả, nhái rất tinh vi, xuất hiện nhiều và được phân phối qua các sàn thương mại điện tử. Do đó, việc quản lý đầu vào chất lượng sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước

Do đó, theo đại diện Bộ Công Thương, các quy định về quản lý kinh doanh rượu và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử.

Thu Trang/Báo Tin tức
Tận dụng lợi thế sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hoá miền núi
Tận dụng lợi thế sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hoá miền núi

Nhiều địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN