Hội thảo Nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 9/9, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế đồng chủ trì và tổ chức lễ khai mạc Hội thảo khoa học quản lý đất đai toàn quốc lần thứ I với chủ đề “Nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế- xã hội”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển bền vững thì đất đai phải được khai thác, quản lý, sử dụng, quản trị và bảo vệ một cách khoa học, hợp lý. Mặt khác, cần phải sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để làm gia tăng giá trị sử dụng đất, vừa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo được nguồn thu ngân sách lớn, ổn định và bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Do vậy, việc đổi mới chính sách đất đai và sử dụng hiệu quả các công cụ thực thi chính sách là rất cần thiết để nâng cao nguồn lực quản lý đất đai cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi là định hướng chính trị quan trọng cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Qua hội thảo này, tôi mong muốn Học viện Nông nghiệp Việt Nam; trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế; trường Đại học Cần Thơ và các cơ sở đào tạo khác, các nhà khoa học mở rộng nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học các vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về đất đai đã được Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chỉ ra”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua Học viện luôn đồng hành cùng Bộ, các trường Đại học, các doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường cho đất mước.

Do đó, mục tiêu của Hội thảo khoa học Quản lý đất đai lần thứ I - 2023 này nhằm trao đổi về những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất; tạo cơ hội hợp tác và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hội thảo cũng được kỳ vọng là nơi để các nhà khoa học, cán bộ giảng viên, các học viên của các trường Đại học, Học viện, viện nghiên cứu; chuyên gia trong nước và quốc tế; nhà quản lý từ các Bộ, Sở, ban ngành liên quan; các công ty, doanh nghiệp lĩnh vực Tài nguyên và môi trường trong cả nước trao đổi kinh nghiệm cũng như học thuật trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Hội thảo gồm: 1 phiên toàn thể và 5 phiên chuyên đề; trong đó, Phiên 1: Khai thác nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Phiên 2: Quản lý bền vững tài nguyên đất đai với quá trình đô thị hóa; Phiên 3: Quản lý và quy hoạch sử dụng đất gắn với chuyển đổi số; Phiên 4: Ứng dụng công nghệ 3S (GIS, RS, GPS) trong quản lý và sử dụng đất đai và tài nguyên; Phiên 5: Quản lý tài nguyên và môi trường thích ứng biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức trao cờ luân lưu cho đại diện Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quản lý đất đai toàn quốc lần thứ II năm 2024 và tặng quà lưu niệm các đơn vị tham gia tổ chức hội thảo. Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Diệu Thúy (TTXVN)
Hà Nội: Sớm giải quyết tồn tại trong quản lý đất đai và bảo vệ môi trường
Hà Nội: Sớm giải quyết tồn tại trong quản lý đất đai và bảo vệ môi trường

Với những lĩnh vực rộng, khối lượng công việc lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển của Thủ đô, công tác quản lý tài nguyên và môi trường đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, đòi hỏi các cấp chính quyền Hà Nội tập trung thời gian, công sức, nguồn lực để sớm giải quyết nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN