Khát vọng xây dựng sân bay Long Thành

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) được xếp vào dự án đặc biệt trọng điểm quốc gia, giai đoạn I có tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD), thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2025. Tháng 8/2023, gói thầu (5.10) – hạng mục lớn nhất xây dựng nhà ga sân bay sẽ lựa chọn nhà thầu, với tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, việc lựa chọn nhà thầu xây dựng năng lực, kinh nghiệm sẽ quyết định tiến độ và chất lượng công trình.

Tiến độ sân bay Long Thành

Theo rà soát của Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV – Chủ đầu tư), trước ngày chọn nhà thầu khởi công xây dựng nhà ga hành khách, hơn 78% khối lượng san nền (gói thầu 3.5) trên đại công trường sân bay Long Thành đã được triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2023, đảm bảo hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu xây dựng nhà ga hành khách và chuẩn bị khởi công các hạng mục đường cất/hạ cánh, sân đỗ trong tháng 8 – 9/2023.

Chú thích ảnh
Mô hình Nhà ga hành khách sân bay Long Thành gia đoạn I. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, để đảm bảo tiến độ, công trường sân bay Long Thành đang tập trung hoàn tất gói thầu 3.4 thi công san nền, hệ thống thoát nước và khảo sát thiết kế bản vẽ thi công. Công trình Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có quy mô một đường cất hạ cánh dài 4.000 m; một nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Tại buổi thị sát hiện trường dự án mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu ACV rà soát tiến độ san lấp thực tế, giải quyết dứt điểm hạng mục đường công vụ dự án sân bay Long Thành và sớm hoàn tất thủ tục chọn nhà thầu xây dựng nhà ga hành khách trong tháng 8/2023. Đối với gói thầu thi công đường cất hạ cánh, đường lăn và các sân đỗ nhỏ, ACV cũng được yêu cầu đến tháng 9/2023 cơ bản hoàn tất hạng mục đấu thầu để khởi công.

Chú thích ảnh
Thi công san nền sân bay Long Thành giai đoạn I. Ảnh: TTXVN

Theo dự kiến của ACV, trong tháng 8 – 9/2023 sẽ đồng loạt khởi công nhiều hạng mục quan trọng của sân bay Long Thành. Trước đó, trong tháng 6/2023, ACV đã mở thầu gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10). Trong tháng 7, ACV sẽ hoàn thành việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu. Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án, đến nay, đối với khu vực 1.810 ha xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I và khu vực 722 ha dự trữ đất dôi dư đã cơ bản hoàn thành…

Với tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, gói thầu 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành được đánh giá là “đường găng” tiến độ của toàn bộ dự án. Dự kiến, gói thầu này sẽ được khởi công vào tháng 8/2023. Hiện nay, đang có 3 liên danh tham gia đấu thầu gói thầu 5.10, trong đó chỉ có một liên danh do doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu là liên danh Hoa Lư, tập hợp nhiều nhà thầu nội thuộc top đầu thị trường xây dựng hiện nay, bao gồm các Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An... do Công ty CP Xây dựng Coteccons dẫn đầu.

Năng lực nhà thầu quyết định tiến độ, chất lượng dự án

Trong bối cảnh trên, có thể thấy, việc lựa chọn nhà thầu, liên danh nhà thầu xây dựng có năng lực, tiềm lực, thương hiệu và kinh nghiệm đã được khẳng định, nhất là các nhà thầu nội, thể hiện tinh thần, khát vọng nội lực, cam kết về tiến độ, tài chính, kiểm soát rủi ro trong quá trình thi công sân bay Long Thành có vai trò quyết định chất lượng, thành công của dự án.

Điểm qua các công trình do nhà thầu nội thi công xây lắp đến nay, có thể kể đến Landmark 81 - công trình thế kỷ do Coteccons xây lắp trên tổng diện tích sàn 241.000 m2, cao 461,2 m, 81 tầng, xây dựng tại vị trí trung tâm của khu đô thị Vinhomes Central Park bên bờ sông Sài Gòn, có tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng nằm trong top những toà nhà cao nhất thế giới và tại Việt Nam. Siêu dự án này do nhà thầu nội làm nên sau hơn 1.000 ngày thi công, trở thành niềm tự hào và kiêu hãnh của người Việt Nam.

Hay cầu Rạch Miễu dài 8.331 m bắc qua sông Tiền (cầu dây văng lớn thứ 3 tại đồng bằng sông Cửu Long; trước đó, cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế và thi công, cầu Cần Thơ do Nhật Bản thiết kế và thi công) - cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế, thi công. Thời điểm hợp long, đưa vào vận hành, công trình này trở thành biểu tượng cầu quốc gia do trí tuệ Việt khẳng định tên tuổi trên thị trường xây dựng trong nước và quốc tế. Dự án này do các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 5, 6 lúc đó (Cienco 1, 5, 6) làm chủ đầu tư và việc thiết kế, giám sát do Tổng công ty Tư vấn thiết kế Bộ GTVT (TEDI) thực hiện, đây cũng là một kỳ tích thể hiện năng lực của nhà thầu nội…

Nói về khát vọng của nhà thầu nội nếu được trao cơ hội đầu tư, xây lắp nhà ga sân bay Long Thành, ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng Central, thành viên liên danh Hoa Lư chia sẻ, ngoài việc đảm bảo về khả năng thực thi, thi công, liên danh cam kết đảm bảo về khả năng tài chính và kiểm soát rủi ro, kế hoạch xây dựng nhà ga sân bay Long Thành đã được liên danh nghiên cứu và soạn thảo trong khoảng một năm, với sự đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn xây lắp, khả năng huy động nguồn lực, tài chính, nhân sự, thiết bị hàng không, cơ điện đạt tiêu chuẩn quốc tế… của những nhà thầu nội mạnh nhất hiện nay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, liên danh Hoa Lư còn được góp sức của với tư vấn giám sát quản lý kỹ thuật cơ điện bởi các nhà thầu quốc tế đã và đang xây dựng các dự án sân bay quốc tế, để đảm bảo khả năng thành công của dự án về tiến độ thời gian 36 tháng theo mục tiêu của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và chủ đầu tư ACV.

Còn ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons Group trong liên danh Hoa Lư cũng cho biết, cơ hội xây dựng và hoàn thành sân bay Long Thành về tiến độ, chất lượng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của liên danh, đảm bảo đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia, đây là động lực hành động, thể hiện sự đồng thuận quyết tâm và niềm tự hào của các nhà thầu nội, kỹ sư, tư vấn giám sát, người lao động Việt Nam đối với công trình trọng điểm quốc gia...

Chưa bao giờ ngành Giao thông được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ quan tâm lớn, dành nhiều nguồn lực như hiện nay. Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn, Chính phủ đã kích cầu bằng việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng và các nhà thầu nội thể hiện sự khát vọng đồng hành cùng Chính phủ phát triển hạ tầng hàng không đi trước mở đường.

Sơn Vân/Báo Tin tức
Tháng 8/2023 sẽ khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành
Tháng 8/2023 sẽ khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành

“Công tác chấm thầu gói nhà ga hành khách sân bay Long Thành đang được tiến hành khẩn trương, trong tháng 7 này sẽ hoàn thành. Ngay sau khi lựa chọn được nhà thầu, các đơn vị liên quan sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, dự kiến tháng 8/2023 sẽ khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN