Kiến nghị tăng trợ giá, kéo dài thời gian thí điểm xe buýt điện tại TP Hồ Chí Minh

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương tiếp tục thí điểm 5 tuyến xe buýt điện hoạt động trên địa bàn thành phố và áp dụng trợ giá với tỷ lệ 64,8% theo đơn giá cố định đối với loại xe CNG nhóm 4-CNG.2 để gỡ khó cho loại hình xe buýt này.

Chú thích ảnh
Xe buýt điện chạy thử tại TP Hồ Chí Minh tháng 12/2021 (ảnh tư liệu). 

Theo đó, về tỷ lệ trợ giá/chi phí làm cơ sở đặt hàng, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh kiến nghị áp dụng tỷ lệ 64,8% theo đơn giá cố định đã được thành phố ban hành năm 2019 đối với loại xe CNG nhóm 4 (chi phí là 24.224 đồng/km). Thời gian thực hiện thí điểm tính từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025. 

Trường hợp UBND thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện trong thời gian thí điểm thì áp dụng theo đơn giá mới trong thời gian thí điểm còn lại.

Cụ thể, nếu đơn giá mới được ban hành thấp hơn đơn giá đang tạm áp dụng là đơn giá xe buýt CNG nhóm 4, thực hiện thu hồi phần kinh phí trợ giá chênh lệch trong thời gian từ 1/1/2023 đến khi ban hành đơn giá mới. Trường hợp đơn giá mới cao hơn đơn giá đang tạm áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến khi ban hành đơn giá mới, thực hiện theo đơn giá tạm trong thời gian thí điểm.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép tiếp tục áp dụng phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn đối với 5 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm.

Tháng 2/2022, UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trong 24 tháng kể từ khi các tuyến bắt đầu hoạt động. Các tuyến được đặt hàng với đơn giá xe buýt CNG, tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%, trên cơ sở thống kê tỷ lệ trợ giá bình quân từ năm 2009 - 2019 của hệ thống xe buýt có trợ giá. Do áp dụng theo CNG nên các yếu tố biến động nhiên liệu, thay đổi mức lương cơ sở không được áp dụng như các tuyến trợ giá khác. 

Đến nay, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Sinh thái Vinbus mới triển khai được tuyến D4 (Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) do gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi đầu tư cũng như vấn đề đơn giá, trợ giá… Vừa qua, doanh nghiệp có văn bản báo cáo sơ kết thí điểm; trong đó đề nghị điều chỉnh tỷ lệ trợ giá là 64,8% kể từ ngày 1/1/2023 và kéo dài thời gian thí điểm các tuyến đến hết năm 2025.

Trong tháng 6 và tháng 7/2023, Sở Giao thông vận tải đã họp cùng đại diện một số sở ngành liên quan. Hầu hết đều ghi nhận các khó khăn, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động vận tải hành khách công cộng và có ý kiến thống nhất cần điều chỉnh tăng tỷ lệ trợ giá nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho xe buýt điện.  

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, giai đoạn từ năm 2020 - 2023, tỷ lệ trợ giá/chi phí bình quân toàn hệ thống xe buýt là 63,7%. Cụ thể, năm 2020 là 59,7%, năm 2021 là 58,3%, năm 2022 là 68,5% và năm 2023 là 64,8%. Do vậy, tỷ lệ trợ giá của tuyến D4 hiện nay là thấp so với bình quân toàn hệ thống.  

Sản lượng hành khách bình quân của tuyến D4 thực hiện năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và 6 tháng đầu năm 2023 bình quân đạt 27,6 hành khách/chuyến. Khối lượng vận chuyển tuyến xe buýt D4 liên tục tăng từ khi đưa tuyến vào hoạt động (tháng 3/2022) từ bình quân 14,1 lượt hành khách/chuyến tăng lên bình quân 28,7 hành khách/chuyến (tháng 6/2023). 

Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách công cộng nên sản lượng thực hiện trên tuyến D4 chỉ đạt 38,9% so với sản lượng tính trợ giá, doanh thu chỉ đạt khoảng 20,9% so với chi phí hoạt động (6 tháng đầu năm 2023).

D4 là tuyến xe buýt có trợ giá sử dụng năng lượng điện thí điểm đầu tiên tại thành phố. Tuyến có cự ly 29 km, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ 15 phút hàng ngày, tần suất  20 phút/chuyến. Giá vé là 3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên và 7.000 đồng/lượt với nhóm khách còn lại. Vé tập bán trước có giá 157.500 đồng/tập 30 vé.

Kết quả khảo sát hài lòng của hành khách, đánh giá theo quý đều đạt trên 89 - 95 điểm (thang điểm 100). Kết quả đánh giá tuyến theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, tuyến này được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ với số điểm tuyệt đối (100/100 điểm).

Ngoài tuyến Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn, Vinbus cũng đề xuất thí điểm 4 tuyến khác gồm: Vinhomes Grand Park - Trung tâm thương mại Emart; Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất; Vinhomes Grand Park - Bến xe miền Đông mới; Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia.

Tin, ảnh: Tiến Lực (TTXVN)
Chưa vận hành thêm 4 tuyến xe buýt điện tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2022
Chưa vận hành thêm 4 tuyến xe buýt điện tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2022

Theo Công ty Vinbus, hiện công ty đã có quỹ đất và đã làm các thủ tục pháp lý để triển khai các dự án xây dựng depot.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN