Làm thế nào để kéo giảm chi phí logistics tại Việt Nam?

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics ngày 16/4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nêu rõ vì sao chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam cao vọt so với nhiều nước và đề xuất các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, dịch vụ logistics (dịch vụ bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao) của nước ta hiện đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14 - 16% và là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Tân Cảng Sài Gòn trong chuỗi logistics. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Tuy nhiên, vấn đề nội cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức cao (theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới – WB) tương đương 20,9 % so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.

Trong khâu vận tải, chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics và ở mỗi mặt hàng lại có tỷ lệ khác nhau. Chi phí vận tải bao gồm: Chi trực tiếp (khấu hao, tiền lương công nhân vận hành, nhiên liệu, sửa chữa, bảo dưỡng) chiếm từ 60 - 80%; chi phí gián tiếp (chi phí quản lý điều hành, lệ phí cầu đường, bến bãi, chi phí khác…) chiếm từ 20 - 40%.

Hầu hết các doanh nghiệp tham gia chuỗi logistics cả đường thủy, đường biển, đường bộ đều phản ánh, hàng loạt công đoạn dịch vụ chi phí liên quan đến hồ sơ, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa chủ hàng thuê thực hiện, tiền bồi dưỡng nhân công cẩu, xếp dỡ hàng hóa tại cảng, bến... đều được tính vào giá thành hàng hóa. Chưa kể trên một hành trình vận chuyển có quá nhiều lực lượng tham gia kiểm tra phương tiện, gây phát sinh “lộ phí”… Tất cả các chi phí này chiếm khoảng 25- 30% giá cước vận tải, nên cũng phải tính vào tổng chi phí vận tải.

Dọc tuyến sông Đồng Nai hiện có 10 cảng, 90 bến thủy của hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương hoạt động xếp dỡ hàng hóa. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Đơn cử, trên đường bộ, theo ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàn Cầu, cước phí vận chuyển container thường bao gồm: Chi phí vận tải nội địa, chi phí chuyên chở container ở chặng đường chính, chi phí bến bãi, chi phí xếp dỡ, chi phí khác. Đó là chưa kể phí bảo trì đường bộ và phí qua các trạm BOT. Để đưa được một container hàng từ cảng Hải Phòng đến Hà Nội, chủ xe, chủ hàng phải “cõng” theo đủ loại chi phí. 

Cụ thể, mức phí xếp dỡ hàng được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam hoặc từ Việt Nam đi nước ngoài đối với container chở hàng bình thường tại khu vực cảng Chùa Vẽ có thể lên tới trên 1,2 triệu đồng/container. Đối với những container vận chuyển nội địa trong nước thông qua cảng, phí xếp dỡ khu vực cảng này từ 350.000 - 630.000 đồng/container. Xếp dỡ từ tàu lên ô tô ngay khu vực cầu cảng có giá 280.000 - 490.000 đồng/container. Một số cảng khác ở Hải Phòng còn đắt hơn…

Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể phát triển dịch vụ logistics, Việt Nam cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm cả chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý để bảo đảm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập. Cùng đó, cần tăng cường phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại và chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh và phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược.

Bên cạnh đó, cần phải siết chặt quản lý để loại bỏ các khoản “tiêu cực phí” vô hình, tránh việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ công quyền với doanh nghiệp, cần áp dụng công nghệ vào giám sát hoạt động của doanh nghiệp thay vì hiện vẫn còn quá nhiều lực lượng chức năng trực tiếp giám sát doanh nghiệp ở trên đường như hiện nay.

Trước thực tế trên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ngành Giao thông cần rất nhiều “cú hích” để ngăn chi phí logistics cao vọt, nhằm mục tiêu kéo giảm chi phí logistics đến năm 2020 xuống mức 16 - 20% GDP như mục tiêu của Chính phủ, trong đó, ngoài tháo gỡ về cơ chế chính sách, việc tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại được xem là giải pháp “đòn bẩy”.

Về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, Bộ GTVT đang tiến hành rà soát tất cả các hình thức, phương tiện GTVT; hệ thống kho bãi… để từ đó xây dựng dữ liệu vận tải và kho vận. Cùng đó, Bộ cũng hỗ trợ trao đổi dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giúp các phương thức vận tải kết nối với nhau nhanh chóng, hạn chế tối đa phương tiện vận tải chạy “rỗng” chiều về.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng cho biết, phát triển logistics phải bắt đầu từ cơ chế. Nghị định 140/2007/CP quy định nhiều bộ ngành có quyền quản lý dịch vụ logistics, nhưng trên thực tế lại chẳng có bộ ngành nào nghĩ mình có trách nhiệm chính đối với hoạt động logistics. Hoạt động logistics vì thế không được quan tâm và đầu tư đúng mức như vị thế và lợi ích có thể mang lại. Do đó, cần có một ủy ban quốc gia cho hoạt động này bởi tính chất đa dạng từ vận tải, thương mại đến bảo hiểm của logistics.

Tại hội nghị trực tuyến, câu hỏi đặt ra là làm sao để “nâng tầm” doanh nghiệp logistics? Trả lời cầu hỏi này, quan điểm của Bộ GTVT là tăng cường phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại và chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh và phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp logistics Việt với nhau để tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa về tiếp cận nguồn vốn, kết nối đối tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Logistics và thương mại điện tử vẫn thiếu sự liên kết
Logistics và thương mại điện tử vẫn thiếu sự liên kết

Thương mại điện tử - lĩnh vực có giá trị hàng trăm nghìn USD đang là thị trường hết sức tiềm năng cho các doanh nghiệp logistics (hậu cần). Đón đầu cơ hội này, không ít các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ để đáp ứng nhu cầu giao nhận, vận chuyển hàng hóa cả trong nước và quốc tế phục vụ thương mại điện tử trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN