Lỗ hổng vận tải container

Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container được Chính phủ quy định là loại hình kinh doanh có điều kiện. Để được hoạt động trong lĩnh vực này, ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp còn phải có giấy phép kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, hiện nay, việc thẩm định cấp phép chưa chặt chẽ, các trường hợp vi phạm chưa bị xử phạt quyết liệt nên xuất hiện nhiều “lỗ hổng” trong việc quản lý loại hình vận tải này.

 

Thả nổi


Theo ghi nhận của phóng viên, quốc lộ (QL) 5 Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe container chở hàng từ Hải Phòng về Hà Nội và ngược lại. Nhìn những chiếc xe kềnh càng, trọng lượng chưa tính hàng hóa đã nặng hơn hai mươi tấn/xe, vừa chạy vừa lắc lư trên đường, ai cũng nhận thấy rõ sự nguy hiểm. Chưa kể, xe container thường xuyên chạy với tốc độ cao, rất dễ khiến xe văng ra khỏi trục đường đang chạy, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.


Xe container phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn giao thông.


Theo Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Hải Phòng hiện có 1.300 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải xe container; trong đó chỉ có 46 doanh nghiệp, với khoảng hơn 600 xe được cấp đăng ký kinh doanh vận tải. Trong khi đó, theo thống kê của Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt Hải Phòng, thành phố hiện có hơn 7.000 xe container đang hoạt động.


Theo kết quả kiểm tra hoạt động vận tải tại các tỉnh phía Nam của Bộ GTVT mới đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có một doanh nghiệp vận tải cung cấp được giấy phép đăng ký kinh doanh hàng hóa bằng container, với 54 xe. Tuy nhiên, khi đối chiếu với số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, thì tỉnh này có đến 82 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng container, với hơn 360 xe. Như vậy, việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container mới đạt 1,2% (1/82) và đạt khoảng 15% tổng số xe hiện có.


Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải container tại tỉnh Bình Dương cũng đạt tỷ lệ thấp. Tỉnh có 35 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển loại hình này, với gần 100 xe, nhưng Sở GTVT Bình Dương chỉ mới cấp phép kinh doanh được 7/35 đơn vị (đạt 20%)...


Đáng lưu ý là qua kiểm tra cho thấy, phần lớn lái xe container phải làm việc liên tục, thường xuyên chạy quá tốc độ. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều xe chạy quá tốc độ trên 30 lượt/ngày, có xe đạt tốc độ lên đến 120 km/giờ. Còn số xe bị phát hiện vi phạm tốc độ của tỉnh Bình Dương lên tới hơn 700 lượt/ngày. Tuy nhiên, những vi phạm này lại không được các doanh nghiệp vận tải địa phương nhắc nhở, xử lý…


Liên tục những ngày cuối tháng 7/2013, hàng trăm xe container chở quá tải “rầm rập” vượt trạm cân tải trọng xe lưu động của lực lượng liên ngành trên QL1A, đoạn qua xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), khiến trạm cân này phải dừng hoạt động chỉ sau 3 ngày vận hành. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông báo động đối với sự bất lực của các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động của xe container. Nguyên nhân theo Công an Hà Tĩnh là do lực lượng, công cụ hỗ trợ yếu và thiếu, khiến tổ xử lý liên ngành lúng túng khi hàng trăm lái xe đến tụ tập gây sức ép, vượt trạm cân bỏ chạy.


Kết quả thanh tra của Bộ GTVT cho thấy, công tác quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng container ở nhiều địa phương bị buông lỏng, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện các thủ tục cần thiết để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp hoạt động trái quy định, tiếp tay cho lái xe chở hàng quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu, bia, ma túy khi tham gia giao thông... trực tiếp gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm hư hại kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua.


Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương… là những địa phương tập trung nhiều xe container nhất, nhưng việc cấp phép hoạt động còn thả nổi. Điều này thể hiện qua việc các sở GTVT chỉ cấp phép và quản lý được từ 5-10% số xe container đang hoạt động.


Hạn chót để quản lý


Từ năm 2000, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2000 bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp (84 loại giấy phép) thì giấy phép vận tải hàng hóa cấp cho các phương tiện vận tải cũng bị bãi bỏ. Điều này khiến cho hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô nói chung, xe container nói riêng thiếu các công cụ pháp lý để quản lý.


Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường quản lý công tác kinh doanh vận tải hàng hóa, hoàn thiện các quy định để sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/CP và 93/CP trình Bộ xin ý kiến Chính phủ theo hướng mở rộng đối tượng kinh doanh có điều kiện đối với cả kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường. Hiện có khoảng 600.000 phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, trong đó khoảng 20.000 phương tiện vận tải container.

Đến năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 91/CP quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container phải có giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng lại không quy định phương tiện vận chuyển container phải được gắn phù hiệu. Để khắc phục lỗ hổng quản lý này, Chính phủ ban hành Nghị định 93/CP/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2009, quy định các phương tiện vận chuyển container phải được gắn phù hiệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GTVT vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 93/CP/2012, nên các địa phương, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện theo Nghị định 91/CP/2009. Do thiếu chế tài xử lý, xe container không được gắn phù hiệu nên các cơ quan chức năng cũng rất khó quản lý hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.


Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký ban hành Chỉ thị 12/CT - BGTVT (ngày 30/7/2013) yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê số xe, số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, báo cáo Bộ trước ngày 31/8; hướng dẫn và hoàn thành thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container có đủ điều kiện, báo cáo Bộ trước ngày 15/9.


Bên cạnh đó, các sở GTVT phải chủ động phối hợp liên ngành, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 95/CĐ - TTg (ngày 10/1/2013) về chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ chở quá tải, quá khổ, quá số người cho phép và Chỉ thị 12/CT - TTg (ngày 23/6/2013) thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, bao gồm kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Vận tải container phải có giấy phép

Chính phủ quy định kinh doanh vận tải khách và vận tải bằng container phải có giấy phép kinh doanh vận tải do Sở GTVT cấp. Vì đây là những đối tượng phải quan tâm đặc biệt để đảm bảo an toàn giao thông. Nếu để xảy ra tai nạn giao thông thì hậu quả sẽ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, hành khách và hàng hóa được vận chuyển. Đây cũng là hình thức tiền kiểm, nếu có đủ điều kiện, doanh nghiệp mới được phép kinh doanh, cùng với hình thức hậu kiểm vẫn được tiến hành theo các quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp sẽ không được phép kinh doanh vận tải bằng container nếu chưa có giấy phép kinh doanh vận tải. Các các doanh nghiệp đã kinh doanh vận tải container từ trước khi có Nghị định 91/CP, nay phải làm hồ sơ đề nghị Sở GTVT địa phương cấp giấy phép này.

 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến: Xử lý công bằng

Doanh nghiệp vận tải container cần phải có giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa để giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm được các thông tin về doanh nghiệp, kịp thời có các biện pháp quản lý, chấn chỉnh khi cần thiết. Với doanh nghiệp, việc đáp ứng các điều kiện để được cấp phù hiệu sẽ giúp họ có ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn, xây dựng thương hiệu, đổi mới công tác quản lý... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải thống nhất trong việc xử lý vi phạm, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp. Hiện nay, do chưa có các chế tài xử phạt, nên doanh nghiệp cứ mua xe về, ai thuê thì chạy mà không đăng ký với Sở GTVT. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ có 1 - 2 đầu xe/doanh nghiệp.

 

Trung tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm CSGT Ba Hàng (Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt Hải Dương):

Phải kiểm soát ngay từ gốc Muốn kiểm soát xe container có giấy phép kinh doanh vận tải hay không thì phải kiểm tra ngay từ khi xe vào cảng xếp dỡ hàng. Xe khách có bến bãi, thì xe container có cảng. Các cảng phải kiểm tra việc này. Chủ hàng cũng cần yêu cầu hãng vận chuyển chứng minh có đủ điều kiện vận tải hàng hóa an toàn cho mình hay không. Còn lực lượng CSGT chỉ giám sát quá trình vận hành có đúng hay không, chủ yếu xử phạt các vi phạm trực tiếp có thể gây ra tai nạn giao thông trên đường.

 
Tiến Hiếu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN