Lo ngại với đề nghị tăng giá điện do lỗ tỷ giá

Tại Giao ban về sản xuất kinh doanh tháng 8 của Bộ Công Thương, ba tập đoàn lớn là Điện lực, Công nghiệp than - khoáng sản và Dầu khí đồng loạt kêu lỗ hàng nghìn tỉ đồng do điều chỉnh tỉ giá. Hiện nay, việc các tập đoàn đề nghị được tăng giá bán điện để bù đắp cho chi phí do lỗ về tỷ giá đang vấp phải nhiều phản đối.


Phải minh bạch về mức lỗ tỷ giá

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa kiến nghị Bộ Công Thương cho tính khoản chênh lệch tỉ giá 1.200 tỉ đồng của tập đoàn này vào giá thành điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì cho biết tỉ trọng điện của TKV chỉ chiếm 10 -15% toàn hệ thống nhưng đã phát sinh khoản lỗ nói trên. Như vậy, nếu cộng tất cả số liệu của ngành điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ tỉ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỉ đồng. Do vậy, EVN cũng đang thống kê số liệu báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết.

Đề nghị tăng giá điện do lỗ tỷ giá đang vấp phải nhiều phản đối.


Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh có sử dụng nguồn ngoại tệ lớn muốn tránh rủi ro về tỷ giá, họ đều hợp đồng mua ngoại tệ với tỷ giá cố định có kỳ hạn với các ngân hàng thương mại. Phải chăng, các tập đoàn EVN, TKV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không lường được sự biến động tỷ giá nên “quên” việc này.

Theo Tiến sĩ Trần Trí Hiếu, xét về mặt kinh doanh, việc rủi ro về nhiều mặt dẫn đến kinh doanh thua lỗ là chuyện bình thường mà mọi doanh nghiệp phải chấp nhận. Nếu lấy vị thế “độc quyền” về mặt hàng mình kinh doanh để “đòi” người dân phải chấp nhận là không hợp lý.

Trước khi đòi tăng giá, các tập đoàn này cần làm hai việc để lấy lại niềm tin của người dân. Thứ nhất là yêu cầu một đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín thực hiện việc kiểm toán kết quả kinh doanh và công bố một cách rộng rãi cho dư luận. Thứ hai, đối với lý do thua lỗ do biến động tỷ giá, các tập đoàn này cần giải trình công khai về kết quả kinh doanh. Cụ thể, thua lỗ về mặt nào, lãi về mặt nào; khi vay ngoại tệ để kinh doanh vay với tỷ giá bao nhiêu, hiện tại tỷ giá bao nhiêu… chứ thông tin kêu lỗ hơn nghìn tỷ vì tỷ giá rất chung chung, khó thuyết phục.

Cân nhắc kỹ về điều chỉnh giá điện

Về phần mình, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đánh giá, việc tăng tỷ giá hối đoái tất yếu làm tăng nợ gốc của các doanh nghiệp khi chuyển đổi số ngoại tệ này sang VND; làm gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh, làm giảm lợi nhuận, thậm chí đưa các doanh nghiệp có số vay ngoại tệ lớn vào tình trạng thua lỗ. Việc hạch toán của mọi doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc hạch toán cả phần chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp (PVN, EVN,TKV) này là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, ông Thụ đề nghị khi Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá hối đoái, cần đánh giá toàn diện các tác động đến các mặt của đời sống xã hội như tác động đến xuất khẩu, đến thị trường chứng khoán, đến hoạt động của các doanh nghiệp có số dư nợ ngoại tệ lớn... để có giải pháp điều chỉnh cho hợp lý. Các doanh nghiệp phải dự báo những biến động của kinh tế thị trường, kể cả khi cung cầu ngoại tệ thay đổi buộc Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái, nhất là đối với các khoản đầu tư lớn, dài hạn từ nguồn vốn ngoại tê, đồng thời có phương án xử lý, trích lập dự phòng rủi ro... để xử lý những vấn đề đặt ra.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay khi Nhà nước điều chỉnh kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp bị thiệt hại do điều chỉnh tỷ giá là một sự thật trong kinh tế. Khi điều chỉnh tỷ giá, những doanh nghiệp nào vay ngoại tệ thì doanh nghiệp đó bị thiệt hại. Thiệt hại ở đây là do điều chỉnh tỷ giá cho nên các doanh nghiệp này có kiến nghị là đúng. Nhà nước vừa với tư cách là người quản lý, vừa với tư cách là chủ sở hữu của ba doanh nghiệp này xử lý thế nào là việc của nhà nước không phải việc của doanh nghiệp.

Về việc xử lý vấn đề trên ra sao, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đinh Thế Phúc cho biết, Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu các đơn vị phát điện trong đó có EVN và TKV tính toán mức độ ảnh hưởng của tác động chênh lệch tỷ giá. Khi các đơn vị có báo cáo, Cục sẽ cân đối xem khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới chi phí bán lẻ như thế nào. Sau đó, Cục sẽ có họp bàn, đề xuất cụ thể với lãnh đạo, có đưa vào giá điện hay không.

Nhóm phóng viên
Thị trường điện vẫn thiếu cạnh tranh
Thị trường điện vẫn thiếu cạnh tranh

Sau 3 năm chính thức vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả nhất định, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn chưa có thị trường điện (TTĐ) đúng nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN