Long An có gần 20.000 ha cây trồng nguy cơ bị ảnh hưởng

Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An cho biết, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong các tháng mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Qua rà soát, Long An có 20.000 ha diện tích cây trồng nguy cơ bị ảnh hưởng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong màu khô năm nay.

Chú thích ảnh
Vườn mai đang héo dần do thiếu nước. 

Các địa phương bị ảnh hưởng gồm các huyện như Thủ Thừa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ và thành phố Tân An, với 10.036 ha lúa Đông Xuân; 800 ha chanh, 6.980 ha thanh long; 1.826 ha cây mai và loại cây ăn quả; 20 ha hoa màu...

Kịp thời giải pháp phòng ngừa, ứng phó với đợt hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu lãnh đạo sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh khẩn trương triển khai Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn.

Theo đó, liên ngành tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nhằm chủ động phòng ngừa, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để thực hiện giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến để kịp thời bơm dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất; tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ lấy nước, trữ nước trong thời gian cống điều tiết vận hành mở để lấy nước ngọt khi độ mặn ngoài sông giảm nhằm chủ động nguồn nước sử dụng trong thời gian cửa cống phải đóng kín ngăn mặn.

Chú thích ảnh
Diện tích trồng khổ qua của người dân bị chết khô. 

Đơn vị được giao vận hành khai thác công trình thủy lợi phải thường xuyên theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để vận hành hợp lý cống ngăn mặn, trạm bơm điện, mở cống lấy nước, bơm chuyển nước bổ sung nguồn nước vào hệ thống thủy lợi, tích trữ phục vụ trong những tháng nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài.

Ngành nông nghiệp khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất; khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 80-100 kg/ha; sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để đảm bảo đủ nước tưới (nhóm giống theo khuyến cáo của tỉnh). Đồng thời, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhất là tại khu vực không chủ động được nguồn nước ngọt, thường xuyên bị hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ngoài ra, các sở, ngành chức năng rà soát đánh giá hiện trạng trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn; xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tuyến ống cấp nước sạch tại khu vực chưa có nguồn nước máy, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; huy động phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng hỗ trợ chở nước từ nơi khác đến vùng bị ảnh hưởng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong trường hợp nguồn nước sinh hoạt bị thiếu hụt để giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân kịp thời, hiệu quả.

Tin, ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Bàn giải pháp sống chung với hạn, mặn
Bàn giải pháp sống chung với hạn, mặn

Ngày 27/3, tại thành phố Cần Thơ, Báo Tiền Phong phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN