Minh bạch thông tin về thực phẩm sạch

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng phản ứng trước “làn sóng” thực phẩm bẩn, số lượng các cửa hàng được “gắn mác” thực phẩm sạch đang “mọc lên như nấm” ở các khu dân cư, chợ dân sinh… để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong số các cửa hàng này, có bao nhiêu phần trăm là sạch, có nguồn gốc thì người tiêu dùng khó có thể nhận biết được.

Cần minh bạch thông tin để truy xuất nguồn gốc

Hiện nay, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng như khá nhiều thành phố lớn khác xuất hiện khá nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản, gia cầm, thủy sản “treo biển” sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, dấu hiệu để nhận biết thực phẩm đó là sạch hay không sạch thì chưa thật sự rõ ràng.

Chị Nguyễn Hòa, một người nội trợ ở Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, được bạn bè giới thiệu, chị thường mua rau, thịt, cá… tại cửa hàng đề bán thực phẩm sạch ở phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Cửa hàng này có khá nhiều mặt hàng từ rau, củ tới trái cây, thịt lợn, cá hồi… Về rau, cửa hàng chia các sản phẩm thành hai loại, rau hữu cơ và an toàn. Nhưng cả hai loại này đều không có nhãn mác, xuất xứ hay có bất cứ thông tin nào để người tiêu dùng nhận biết là sạch. Về thịt, trừ những loại thịt nhập khẩu, thì những loại thịt lợn, bò, gà… chỉ có thông tin về chủng loại, hạn sử dụng mà không hề có thông tin về nơi nuôi, cơ sở chế biến, nguồn gốc từ đâu. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ còn biết đặt niềm tin vào cửa hàng.

Sản phẩm nông sản được gắn mác sạch đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các khu dân cư.

Đây cũng là thực tế chung của nhiều người tiêu dùng khi mua hàng tại nhiều cửa hàng dán mác bán thực phẩm sạch hiện nay. Điều này khiến cho việc xác định thực phẩm nào thực sự sạch, sản phẩm nào đội lốt sản phẩm sạch tại các cửa hàng này càng khó nhận diện. Thực tế, theo ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, có hiện tượng rau củ quả “bẩn” được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng… được gắn mác an toàn. Trong năm 2015, Chi cục đã tịch thu, tiêu hủy gần 12.000 kg thủy hải sản đông lạnh; gần 20.000 kg thịt bò, thịt lợn, trâu... Trong số đó, có những lô hàng được bán ở những cửa hàng uy tín, gắn mác thực phẩm sạch.

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn các cửa hàng kinh doanh nông sản. Nhưng một lượng lớn các sản phẩm nông sản Thủ đô được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và tiêu thụ tại các chợ dân sinh. Lượng nông sản thực phẩm chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm 20%.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, trưởng ban thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho biết: “Nhiều “đại gia” cũng đang cố gắng đầu tư mở rộng chuỗi phân phối, các cửa hàng bán lẻ, nhưng họ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thế nào vẫn là một ẩn số. Người tiêu dùng vẫn rất hoang mang về các nhãn hàng này, vì không ít thông tin trên báo chí và mạng xã hội nói về việc hình thức, đối phó trong thực hiện cũng như việc cấp chứng nhận GAP”.

Doanh nghiệp chân chính phải liên kết lại

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch những cơ sở sản xuất thực phẩm sạch làm tốt vẫn đang tồn tại, nhưng họ rời rạc và đơn lẻ. Một số đang cố gắng làm sạch tùy vào sức của mình, nhưng họ quá nhỏ bé và thường bị thương nhân, thương lái ép đủ bề nếu không kênh phân phối riêng. Vì vậy, các doanh nghiệp tốt phải liên kết lại với nhau, đồng thời phải minh bạch thông tin về nông sản cho người tiêu dùng.

Rau quả được mua về từ một cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) nhưng không có nhãn mác về nguồn gốc xuất xứ.

Thực tế, bản thân các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng có nhu cầu liên kết lại để người tiêu dùng dễ nhận diện. Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi thực phẩm an toàn Bác Tôm cho biết, chuỗi này cũng muốn tham gia vào các hiệp hội sản xuất thực phẩm minh bạch. Vì khi đó, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại di động là có thể truy suất được nguồn gốc nông sản từ khâu sản xuất tới chế biến.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Thế Thành, chuyên gia tư vấn của Hiệp hội thực phẩm minh bạch, việc minh bạch thông tin phải được thực hiện và có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng từ khâu chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, chế biến. Bởi khi thực phẩm đã được bày bán trên thị trường, lực lượng QLTT đi kiểm tra cũng chỉ có thể dựa trên cảm quan, giấy tờ. Ông Thành dẫn chứng, một nhà trồng “rau an toàn”, đúng quy định pháp luật phải ngưng phun thuốc trừ sâu 10 hay 15 ngày trước khi thu hoạch và phải chứng minh điều họ làm qua phòng thí nghiệm, hoặc kiểm tra chéo lẫn nhau.

Về mặt chính sách, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ ủng hộ sáng kiến thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch để chủ động liên kết các nhà sản xuất, nhằm đưa ra thị trường thực phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn. Việc liên kết thông qua hiệp hội không chỉ giúp giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm mà còn khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ để để các doanh nghiệp trong hiệp hội sản xuất thực phẩm minh bạch phát triển.

Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm hữu cơ Oganica: Minh bạch nguồn gốc là tự bảo vệ mình 

Bốn năm trước, chúng tôi đã thành lập trang trại thực phẩm hữu cơ, được chứng nhận theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo Hiệp hội thực phẩm minh bạch. Vì khi bước vào lĩnh vực kinh doanh này, tôi thấy rằng những cơ sở làm ăn chân chính cũng cần được bảo vệ, việc bảo vệ tốt nhất chính là minh bạch thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc. Khi đó, khách hàng chỉ cần quét kiểm tra bằng điện thoại thông minh là có thể biết rõ được quy trình sản xuất nông sản, như vậy mới chứng minh được thực phẩm là sạch, doanh nghiệp sản xuất sạch, an toàn. 


Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Liên kết để hình thành kênh phân phối 

Các nhà sản xuất có thể hình thành kênh phân phối của riêng mình nhưng chi phí sẽ cao, mất thời gian xây dựng thương hiệu... Vì vậy cần có sự kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để giúp hoạt động kinh doanh sản phẩm an toàn có hiệu quả. Bộ Công Thương đã xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng ATTP đối với một số ngành hàng như: cửa hàng bánh, sữa và chuỗi siêu thị tổng hợp. Bộ cũng phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức phổ biến mô hình chuỗi cửa hàng bảo đảm ATTP đến các DN kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban điều phối chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố, trong đó có nhiệm vụ kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ, tập trung tại chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể... 


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Tăng cường kiểm tra 

Về thanh kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT phân cấp cho địa phương quản lý thực phẩm cho thị trường nội địa. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt QĐ 38/QĐ-CP về mô hình thí điểm thanh, kiểm tra tận phường, xã triển khai tại 5 quận và 10 phường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có thể nói công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tăng cường đáng kể trong thời gian qua. Theo Bộ Y tế, trong năm 2015 có 500.000 cơ sở được kiểm tra, xử phạt trên 30 tỷ đồng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, đã có 200.000 cơ sở được kiểm tra vệ sinh ATTP, số tiền xử phạt lên tới 19 tỷ đồng. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hiệp hội thực phẩm minh bạch để cung cấp nhiều hơn những sản phẩm sạch, thông tin cho người dân.


Hữu Vinh - Hoàng Dương
Thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm sạch
Thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm sạch

Các loại thực phẩm rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm bẩn, kém chất lượng đang hoành hành, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, sức khỏe của người tiêu dùng. Trong khi đó người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận với các loại thực phẩm sạch (TPS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN