Mua sắm trực tuyến sôi động mùa dịch bệnh COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh ngại đi mua sắm trực tiếp mà chuyển sang hình thức trực tuyến.

Nở rộ mua sắm trực tuyến

Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân hạn chế ra đường để phòng tránh lây nhiễm, việc mua sắm vật dụng gia đình, quần áo, giày dép cho đến đồ ăn, thức uống… cũng được chuyển sang hình thức online.

Chú thích ảnh
Các bưu cục tại TP Hồ Chí Minh mỗi ngày nhận hàng ngàn đơn hàng cần chuyển phát từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện. 

Gần một tháng nay, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú, ngụ ở quận Bình Thạnh, đã "thuần thục" với các trang mua sắm hàng hóa online. Chị Cẩm Tú cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chị và bạn bè đã chuyển sang "ở ẩn" trong nhà, mọi sinh hoạt, mua sắm đều được chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm online. Trung bình một ngày, chị Tú đặt khoảng gần 10 đơn hàng với các loại đồ ăn, thức uống, rau củ quả… và được giao đến tận nhà.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, các quán cơm, trà sữa, cà phê... tại TP Hồ Chí Minh hiện nay khá vắng khách, ngay cả vào thời điểm trưa và tối cũng không còn cảnh khách ngồi lâu đợi món như trước. Ngược lại, các shipper (người giao hàng) đứng xếp hàng chờ lấy hàng đi giao khách tại các điểm bán hàng ăn, uống lại khá đông.

Chị Lê Thị Mỹ, chủ quán trà sữa Tin Tin trên đường Lê Văn Việt (quận 9), cho biết hàng ngày thay vì phải dọn dẹp bàn ghế phục vụ khách ghé quán uống thì nay chị lại phải chuyển sang ngồi trả lời điện thoại, zalo, tin nhắn trên facebook và ghi chú các đơn hàng, địa chỉ khách yêu cầu để cho các shipper mang giao cho khách.

“Hơn một tuần nay, số lượng đơn đặt hàng trà sữa, đồ ăn vặt đổ về khá nhiều, tăng gấp đôi so với ngày thường. Chủ yếu khách mua trà sữa, đồ ăn vặt… là các bạn học sinh, sinh viên và người trẻ. Hầu hết khách đều đặt giao hàng đến tận nhà vì lo ngại khi đi ra ngoài”, chị Mỹ nói.

Tương tự, chị Lê Hạ Viên (sáng lập fanpage Chợ dâu của Viên) cho biết, các đơn hàng rau quả tươi như: dâu tây, bơ, khoai lang, măng tây… luôn “cháy” hàng. Các đơn hàng tăng khoảng 20 – 30% so với ngày bình thường. Mỗi ngày khách đặt 20 – 30 đơn hàng, có mức giá 250.000 – 300.000 đồng/đơn hàng.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng nhu yếu phẩm được các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh chuyển sang bán hàng online và giao hàng tận nơi cho khách.

“Đặc thù các loại rau củ quả của Chợ dâu của Viên là chiều cắt hái, sáng bán sớm và giao trong ngày nên chỉ giới hạn 20 đơn/ngày nhằm đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon. Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách tăng cao nên đợt này tôi tăng thêm 10 đơn nữa. Nhiều ngày số lượng đơn hàng tăng vọt, không đủ hàng cung ứng nên tôi phải từ chối khách hàng và hẹn vào ngày hôm sau”, chị Viên nói.

Không chỉ các mặt hàng ăn uống được giao hàng tận nhà mà các mặt hàng đắt tiền như vàng, bạc, đá quý trước đây phải đến tận nơi mua thì nay cũng chuyển sang kinh doanh trực tuyến và giao hàng tận nhà. Chẳng hạn như Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang sẵn sàng giao các đơn hàng trang sức đủ loại có giá dưới 20 triệu đồng bằng hình thức ship COD (giao hàng trả tiền mặt). Riêng các món hàng có giá trên 20 triệu đồng, khách sẽ được giao hàng tận nhà với điều kiện đặt cọc trước. Những ngày này, công ty PNJ cũng nhận hàng trăm đơn hàng mua trang sức, vàng giao tận nhà cho khách mỗi ngày vì khách hàng ngại đi ra ngoài trong mùa dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thúc đẩy bán hàng qua mạng

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tại TP Hồ Chí Minh, các cửa hàng, siêu thị đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng doanh số từ việc bán hàng online.

Theo Bộ Công Thương, mở rộng kênh bán hàng online, huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics vào cuộc mạnh mẽ là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng tăng mua sắm, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ về hạn chế đến chỗ đông người, qua đó vẫn thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Hiện rất nhiều siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh đồ ăn, thức uống, cửa hàng thời trang… tại TP Hồ Chí Minh đã kích thích người tiêu dùng mua hàng qua kênh trực tuyến, chủ động đẩy mạnh bán hàng online thông qua các website hay mạng xã hội Facebook, Zalo... thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng, sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Nhiều sàn thương mại điện tử cũng chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mãi lớn, lên đến 30 - 50% đơn hàng.

Chú thích ảnh
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến người tiêu dùng chuyển hướng kinh doanh, mua sắm online nhiều hơn trước.

Đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, từ khi dịch bệnh xảy ra, lượng khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến và qua điện thoại tăng đột biến, tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây. Các sản phẩm thiết yếu như khẩu trang y tế, gel rửa tay, nước rửa tay, mì gói, gạo, sữa tươi, nước giải khát, nước tinh khiết, nước giặt, kem đánh răng… là các mặt hàng đang được khách hàng ưu tiên chọn lựa.

“Trước xu hướng này, Saigon Co.op tiến hành đẩy mạnh dịch vụ mua sắm trực tuyến, tăng cường điều phối nhân sự tiếp nhận đơn hàng cũng như nhân sự giao hàng để đảm bảo thời gian giao hàng tận nhà từ 1 đến 2 giờ đối với đơn hàng đặt mua hộ qua điện thoại và từ 24 - 48 giờ đối với đơn hàng mua trên trang mua sắm điện tử. Ngoài ra, đơn vị còn triển khai thực hiện vận chuyển miễn phí khu vực nội thành cho các hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng. Đối với những khách hàng thân thiết, có thể sử dụng điện thoại để gọi đến các siêu thị gần nhất đặt hàng và được giao miễn phí tại nhà", vị đại diện này cho biết.

Tương tự, tại hệ thống BigC miền Nam, lượng khách đặt mua hàng trực tuyến tăng lên 90 đơn hàng/ngày (1.800 đơn hàng trong 20 ngày từ đầu tháng 2 đến nay). Theo đó, qua trang bán hàng online, người tiêu dùng chỉ cần ngồi nhà, lên trang web lựa chọn sản phẩm rồi đặt hàng, sau đó nhân viên siêu thị sẽ mang hàng đến giao tận nhà. Ngoài mua hàng online, khách hàng có thể đặt mua hàng qua điện thoại, với đơn hàng từ 200.000 đồng sẽ được giao miễn phí trong bán kính 20 km.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, xu hướng tiêu dùng, mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại tại thành phố ngày càng mở rộng và phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử lớn nhất nước. Các kênh phân phối thương mại điện tử được các đơn vị triển khai đa dạng, theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội... Các ứng dụng thanh toán điện tử được triển khai rộng khắp đã hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử, như thanh toán thông qua thẻ, thanh toán online, thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động…

Tuy nhiên, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra khuyến cáo: Khách mua hàng nên thận trọng khi chọn lựa sản phẩm và website tin cậy để tránh rủi ro không đáng có. Nhất là khi mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sản phẩm giả, kém chất lượng phục vụ phòng chống dịch COVID-19 được rao bán trên các sàn thương mại điện tử.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức
Kinh doanh kiệt sức với chi phí thuê mặt bằng
Kinh doanh kiệt sức với chi phí thuê mặt bằng

Nhiều mặt bằng kinh doanh bỏ trống... từ khi dịch bệnh bùng phát thì lĩnh vực kinh doanh thời trang, các dịch vụ ăn uống là bị ảnh hưởng nặng nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN