Ngân hàng hỗ trợ nhưng doanh nghiệp cần chuyển đổi hiệu quả để được vay vốn

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến các doanh nghiệp lao đao, thời gian qua, các ngân hàng đã rốt ráo triển khai chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để được thẩm định vay vốn, nhiều doanh nghiệp cần chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế để các tổ chức tín dụng (TCTD) thẩm định cho vay.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp, hơp tác xã kiến nghị các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi để tiếp tục sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Ảnh: TTXVN.

Tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp và ngân hàng, diễn ra ngày 1/4 ở tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Việt Tâm -  Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Sầm Sơn cho biết, thời gian qua, gần như 100% doanh nghiệp không có doanh thu. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã triển khai sớm nhất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. “Phía doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ phát triển lâu dài, đề nghị sớm ban hành chính sách theo Nghị quyết 43/2022 chương trình phục hồi kinh tế, sớm thông qua Nghị định 168/2017 về Luật Du lịch. Mong NHNN quan tâm hỗ trợ ổn định vĩ mô, duy trì hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục các chính sách thiết thực như: Khoanh nợ, giãn nợ, giảm bớt thủ tục cho vay”, ông Cao Việt Tâm cho biết. 

“Doanh nghiệp muốn phát triển phải có nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng, cần có chính sách lãi suất ưu đãi và việc định giá tài sản tài đảm bảo cho vay lĩnh vực nông nghiệp phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Nguyễn Hồng Phong - Chủ tịch Công ty Tiến Nông cho biết. 

Còn ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Công ty May Thiên Sơn chia sẻ: Doanh nghiệp thực sự cần dòng tiền của ngân hàng. NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã tạo nhiều điệu kiện thuận lợi, đặc biệt về thủ tục hành chính, tài sản đảm bảo giúp doanh nghiệp thuận lợi vay vốn trong những năm qua. Công ty may Thiên Sơn hiện có 10 nhà máy, hơn 12 nghìn lao động. doanh nghiệp có dư nợ 300 tỷ đồng, nhu cầu vốn 600 tỷ đồng

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn hệ thống ngân hàng, Giám đốc Agribank tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Thuần Phong cho biết: Đến thời điểm 31/1/2022, trên địa bàn còn 17,24% dư nợ tín dụng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Các TCTD trên địa bàn, trong đó chủ yếu là thuộc khối các NHTM Nhà nước, đã tích cực cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 3.276 khách hàng với tổng giá trị nợ là 5.092 tỷ đồng. Riêng 3 Chi nhánh Agribank đã hỗ trợ cho 392 khách hàng với dư nợ cơ cấu 1.446 tỷ đồng; đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với 270.000 khách hàng, dư nợ 44 ngàn tỷ đồng, số lãi giảm 231 tỷ đồng; cho vay các chương trình hỗ trợ, ưu đãi lãi suất với doanh số hơn 5 ngàn tỷ đồng; miễn, giảm phí dịch vụ hơn 20 tỷ đồng. 

Về phía khối NHTM cổ phần, ông Nguyễn Sơn Hải - Giám đốc ACB tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến cuối tháng 2/2022 tổng nguồn vốn huy động tại chỗ của khối các NHTM cổ phần đạt hơn 40 ngàn tỷ đồng, chiếm thị phần gần 31% toàn hệ thống; tổng dư nợ của khối NHTM cổ phần 38,5 ngàn tỷ đồng, chiếm thị phần 24,65% toàn hệ thống.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 tăng ngay từ đầu năm và đến cuối năm tăng 13,61% so với cuối năm 2020. Tính đến ngày 23/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.

Đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, NHNN đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới các TCTD để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu về tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với người dân doanh nghiệp. Thời gian qua, tín dụng có mức tăng trưởng tốt, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16,31% và năm 2021 tăng 16,45% (cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%). Ngoài ra, tín dụng chính sách trên địa bàn (đạt 10.790 tỷ đồng, chiếm 6,83% dư nợ tín dụng, quy mô đứng thứ 2 trong hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội - NHCSXH) đã phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết. 

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, các TCTD trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thông qua việc tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Ngoài ra, tín dụng chính sách trên địa bàn (đạt 10.790 tỷ đồng, chiếm 6,83% dư nợ tín dụng, quy mô đứng thứ 2 trong hệ thống NHCSXH) đã phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng: Do tác động của dịch, hoạt động của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa găp một số khó khăn như: Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính thấp; nhiều người dân và một số chủ doanh nghiệp chưa được trang bị hoặc chưa được tiếp cận các dịch vụ số; công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn và thường kéo dài... 

Tuy nhiên, ngành Ngân hàng trong 2 năm qua cũng đối mặt với những khó khăn như: Nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; dịch bệnh kéo dài đã, đang ảnh hưởng tới nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng.

“Về phía các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay; chủ động phối hợp với các TCTD cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các chính sách hỗ trợ phù hợp của các TCTD”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết. 

Minh Phương/Báo Tin tức
Kinh tế hồi phục, tăng trưởng tín dụng quý I/2022 khởi sắc
Kinh tế hồi phục, tăng trưởng tín dụng quý I/2022 khởi sắc

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK), tín dụng đến 21/3 đã tăng hơn 4%, cao gấp 2,7 lần cùng thời điểm này năm ngoái. “Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi”, đại diện TCTK cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN