Ngành gạch gốm Vĩnh Long thay 'áo' mới - Bài 1: Lịch sử hơn trăm năm tuổi

Tỉnh Vĩnh Long là địa phương có làng nghề sản xuất gạch gốm với lịch sử hơn trăm năm tuổi. Sản phẩm gạch gốm Vĩnh Long nổi tiếng không chỉ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn được ưa chuộng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do yêu cầu về đảm bảo môi trường, khó khăn về giá nguyên liệu… làng nghề sản xuất gạch, gốm dần trầm lắng, không còn sung túc như xưa.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan và tìm hiểu mô hình ngôi nhà 3 gian 2 chái bằng gốm đỏ là điểm nhấn, thu hút nhiều du khách đến tham quan và tìm hiểu.

Những năm gần đây, ngành sản xuất gạch gốm Vĩnh Long đang dần phục hồi và phát triển trở lại. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương trong hỗ trợ chuyển đổi quy trình sản xuất phù hợp với yêu cầu về môi trường và nhất là việc triển khai thực hiện đề án Di sản đương đại Mang thít đã từng bước đưa ngành sản xuất gạch gốm chuyển mình. Làng nghề sản xuất gạch gốm Vĩnh Long thay “áo” mới, bên cạnh việc mở thêm kênh tiêu thụ rộng rãi trong nước cũng dần trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Bài 1: Lịch sử hơn trăm năm tuổi

Đã từ lâu, người dân Vĩnh Long tự hào với danh xưng “Vương quốc gốm đỏ” với những làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời hoàng kim của những năm 1980, ngành gạch gốm có gần 3.000 miệng lò hoạt động xuyên suốt quanh năm. Làng nghề cung cấp gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu số lượng lớn cho người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm gốm với màu đỏ mang đặc trưng riêng của tỉnh Vĩnh Long đã được bao thế hệ sáng tạo và đúc kết thành một kỹ thuật nung đất tuyệt vời được người tiêu dùng ưa chuộng; trong đó, chủ yếu là xuất khẩu. Dù trải qua những năm tháng thăng trầm nhưng nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống một thời đã mang đến cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Hoài niệm

Theo UBND Vĩnh Long, ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại địa phương vào đầu thế kỷ XIX. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch ngói tại thời điểm đó có khoảng 600 - 800 người. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh hơn 2.200 miệng lò.

Riêng ngành sản xuất gốm ra đời vào năm 1983 và phát triển mạnh mạnh trong khoảng thời gian từ năm 1997 - 2007, số lò gạch, gốm chủ yếu tập trung tại huyện Mang Thít và huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Thời hoàng kim, ngành gạch gốm có gần 3.000 miệng lò hoạt động xuyên suốt quanh năm. Hàng nghìn sản phẩm gạch, gốm với mẫu mã, kiểu dáng khác nhau được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ thủ công đã được khách hàng ưa chuộng và giúp cho nhiều cơ sở sản xuất gạch gốm "ăn nên làm ra" một thời. Đặc biệt, trong những năm qua, sản phẩm gốm đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Hoa Kỳ, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), HongKong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản….

Ở thời kỳ hưng thịnh nhất, có lúc giá trị ngành gạch gốm chiếm gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, qua đó cho thấy nghề sản xuất gạch ngói là một trong những thế mạnh của tỉnh. 

Với truyền thống gia đình sản xuất gạch gốm lâu năm, ông Nguyễn Văn Buôi (Chủ cơ sở sản xuất gạch, ngói Tân Hiệp Phát, xã An Phước, huyện Mang Thít) chia sẻ: “Với vốn luyến tích lũy được, các chú, các ông đã rất thành công khi tận dụng các lò nung tròn truyền thống sẵn có để làm gốm. Nghề dạy nghề, làng nghề gạch, gốm đỏ nứt tiếng trên đất Vĩnh Long cũng từ đó mà hình thành. Đặc biệt, duy nhất đất sét ở Vĩnh Long mình khi nung chín trên 900℃ mới có màu đỏ hồng tự nhiên có phủ một lớp phấn trắng như vậy nên khách hàng rất thích. Nhiều doanh nghiệp còn mạnh dạng đầu tư mở rộng sản xuất, tự nghiên cứu cải thiện quy trình làm ra sản phẩm. Chủng loại sản phẩm cũng có sự phát triển đa dạng hơn, nhất là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng nội thất để xuất khẩu. Gạch cũng phát triển mạnh và xuất khẩu qua các nước lân cận mà phổ biến nhất là Campuchia".

Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian cùng sự phát triển của đời sống xã hội, làng nghề sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long đã đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn. Từ những năm 2010 trở đi, ngành gạch gốm bắt đầu có xu hướng chậm lại do chi phí sản xuất cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp, các cơ sở lò gạch bắt đầu có dấu hiệu thua lỗ nên không còn hoạt động với sản lượng lớn như trước đây.

Một số cơ sở đã có cải tiến nhưng công nghệ sản xuất của ngành gạch - gốm còn lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Một trong những tồn tại lớn của các cơ sở sản xuất gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long là tình trạng khói, bụi do hầu hết các cơ sở sản xuất gạch, gốm của tỉnh vẫn sản xuất bằng công nghệ lò tròn truyền thống nên gây ô nhiễm môi trường và thời gian nung mỗi chu kỳ kéo dài làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh so với các lò cải tiến.

Việc triển khai thực hiện chủ trương về khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường nên hoạt động sản xuất gạch nung tại làng nghề thu hẹp dần. Trước những khó khăn, nhiều cơ sở không đủ năng lực để thay đổi công nghệ và quy trình dần từ bỏ nghề, chỉ còn một số bám trụ với nghề. Làng nghề sản xuất gạch gốm dần đìu hiu. Theo thời gian, những chiếc lò nung từng một thời đỏ lửa giờ đây cỏ mọc rêu phong và trở thành một hoài niệm trong lòng nhiều người.

Vực dậy làng nghề

Trước những khó khăn của ngành sản xuất gạch gốm, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp nhằm vực dậy hoạt động của làng nghề. Theo đó, năm 2013, tỉnh ban hành đề án ''Tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long'', năm 2016 tỉnh ban hành đề án  ''Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2016 - 2020'' và giai đoạn 2021 - 2025.

Các đề án được triển khai với nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung; hỗ trợ chuyển đổi công nghệ lò nung liên hoàn Vĩnh Long trong sản xuất gạch gốm, hỗ trợ các cơ sở gạch gốm chuyển đổi ngành nghề khác, hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất ...

Chú thích ảnh
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Lò gạch truyền thống.

Với sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời đã giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm có thêm trợ lực để có thể mạnh dạn đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất thích nghi với các quy định đảm bảo các yêu cầu về môi trường và thích ứng với thị trường. Theo đó, đối với sản xuất gạch không nung: thời điểm triển khai đề án hỗ trợ chỉ có  1-2 cơ sở sản xuất, đến năm 2017 toàn tỉnh có 11 cơ sở, doanh nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 300 triệu viên/năm. Đối với sản xuất gạch gốm, đến năm 2020 đã có 21 cơ sở, doanh nghiệp gạch gốm chuyển đổi sang lò nung liên hoàn để sản xuất gạch gốm, góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp gốm đã đổi mới công nghệ từ nung bằng lò tròn truyền thống sang lò nung liên hoàn, cải thiện quy trình sản xuất, công nghệ nung gạch gốm thân thiện với môi trường và nâng cao sức cạnh tranh, tuy nhiên ngành gạch – gốm tỉnh Vĩnh Long chưa thể phát triển như trước đây. Hiện tại, toàn tỉnh còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước giá trị mang lại khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành gốm đang có hướng đi mới là sản xuất sản phẩm theo hướng tăng độ tinh xảo, giảm lượng nguyên liệu sét, đa dạng các sản phẩm hướng đến phát triển tiêu thụ thị trường nội địa và phục vụ khách du lịch nhằm tăng giá trị gia tăng sản phẩm.

Bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của sản phẩm gạch gốm trên thị trường, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Di sản đương đại Mang Thít". Đây là bước đi mới của tỉnh nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch gốm truyền thống vừa kết hợp với phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lò gạch gốm hiện có, làm điểm nhấn mang tính đột phá, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Để thực hiện đề án này, HĐND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm.Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 ha với 653 lò đã được người dân cam kết giữ gìn. Đề án đã được phổ biến rộng rãi và được người dân, nhất là người dân làng nghề đồng thuận. Tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng “Vương quốc gạch gốm” bên cạnh việc sản xuất gạch gốm theo các quy trình hiện đại cũng sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, mang đến cho làng nghề một hướng đi mới để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đi xa hơn.

Bài cuối: Đánh thức tiềm năng 'Vương quốc gạch gốm'

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Hội chợ làng nghề truyền thống Tết tại phố bích họa Phùng Hưng
Hội chợ làng nghề truyền thống Tết tại phố bích họa Phùng Hưng

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống đang được trưng bày tại phố Phùng Hưng (Hà Nội), phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN