Nông dân U Minh Thượng lại điêu đứng vì vụ mía 'đắng'

Vụ mía năm 2018 - 2019, nông dân huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đang đối mặt với thua lỗ do giá giảm sâu.

Hiện huyện vẫn còn khoảng 350 ha mía chưa thu hoạch, tương đương gần 30.000 tấn mía không có người mua khiến người trồng lâm vào cảnh khó khăn. 

Chú thích ảnh
Nông dân huyện U Minh Thượng thu hoạch mía.

Những ngày này đến huyện U Minh Thượng, nhiều rẫy mía đến kỳ thu hoạch nhưng do giá quá thấp, lại không có thương lái mua khiến người trồng mía hoang mang. Ông Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Thượng cho biết, toàn huyện trồng trên 1.500 ha mía ở các xã Thạnh Yên, Vĩnh Hòa và nhiều nhất là hai xã nằm trong vùng đệm là Minh Thuận và An Minh Bắc.

Nông dân đang điêu đứng vì nhà máy đường không thu mua mặc dù đã bao tiêu trước đó. Giá mía rớt xuống tận đáy. Phía ngoài đập đê bao, họ mua giá 420 đồng/kg, còn trong đập chỉ mua 350 đồng/kg vì phải thuê nhân công chở ra ngoài đê. Với mức giá xuống quá thấp như vậy, nhiều hộ nông dân để mía chết khô rồi đốt bỏ. Bởi lẽ, nếu thuê nhân công chi phí cũng mất 370 đồng/kg mà bán ra chỉ có 350 đồng/kg thì chả nhà vườn nào dám thu hoạch. Mà nếu nông dân thu hoạch thì cũng chẳng có thương lái đến mua.

Theo ông Hiền, các vụ mùa trước, mía có giá từ 1.000 đồng/kg. Đầu vụ này giảm còn 800 đồng/kg thì nông dân vẫn có lãi. Nhưng với giá xuống quá thấp như hiện nay người trồng trắng tay. Lo cho đầu ra của cây mía, hàng năm, ngay đầu vụ, huyện U Minh Thượng đã giúp nông dân ký kết với Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ với giá 830 đồng/kg mía đạt 10 chữ đường nhưng phải giao tại nhà máy đặt tại tỉnh Hậu Giang.

Một, hai vụ trước, khi nông dân chở mía giao thì không có vấn đề gì, nhà máy đường mua hết cho dân theo đúng giá bao tiêu ban đầu. Bên cạnh đó, có một số công ty còn xuống tận ruộng mía nông dân để bán phân bón trả chậm, tính lãi suất theo ngân hàng. Mỗi ha, nông dân được vay từ 5 - 7 triệu đồng, khi nào thu hoạch mía sẽ hoàn trả cho công ty.

Thế nhưng, vụ mía năm nay, đường sản xuất ra không tiêu thụ được nên với lý do cây mía chữ đường thấp nên công ty không mua hoặc mua gía thấp. Nông dân ở U Minh Thượng phải tự xoay sở. Bà Nguyễn Thị Phượng, ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc cho biết, hiện nay gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Với 2 ha mía, nếu tính tiền đầu tư ban đầu đến khi thu hoạch khoảng 100 triệu đồng, nhưng nay bán ra chưa thu về nổi 30 triệu đồng. Bà Phượng phải khoanh nợ tại ngân hàng, vay vốn bên ngoài để có tiền đầu tư trồng lại mía mà có nguồn trả nợ.

Được số tiền “mót” như bà Phượng cũng còn may mắn, một số hộ dân khác mới bán được một ít thì thương lái ngưng mua; thậm chí, có hộ phải đốt bỏ để tiếp tục trồng vụ mới hoặc chuyển hướng trồng loại cây khác nhằm cứu vãn tình trạng thê thảm này. 

Mía rớt giá, thương lái không thu mua, chịu lỗ nặng, cùng đó lại thêm nỗi lo trả tiền vật tư phân bón. Nhiều nông dân bức xúc bởi họ khó khăn là do nhà máy không tiêu thụ mía; trong khi đó, các công ty bán vật tư phân bón lại không chịu khoanh nợ.

Trước thực trạng cây mía liên tục rớt giá, huyện U Minh Thượng đang quy hoạch và định hướng cho nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây, con khác phù hợp với vùng đất này như mãng cầu, dừa dứa, thanh long hay rau màu. Bên cạnh đó, huyện cũng đang tiến hành lập đề án khôi phục lại nguồn lợi nuôi cá đồng khoảng 3.000 ha và sẽ triển khai thực hiện vào năm 2019; đồng thời liên hệ với một số công ty bao tiêu các loại nông sản để hỗ trợ đầu ra cho nông dân.

Bài và ảnh: Lê Sen (TTXVN)
Giá thu mua thấp, nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía cho những năm sau
Giá thu mua thấp, nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía cho những năm sau

Với việc gia nhập vào Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường rộng lớn các nước ASEAN là sự cạnh tranh gay gắt về giá cả hàng hóa đầu ra. Và mặt hàng đường là một trong những sản phẩm đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt nhất và phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN