Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới

Ngày 20/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới”. Chủ trì Hội thảo có Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông: Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Chú thích ảnh
 GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương; đổi mới tư duy và có những cách làm sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế và điều kiện đặc thù của địa phương trong phát triển nông nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, Sơn La đã chủ động, tích cực triển khai những chủ trương, chính sách thiết thực, khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp tỉnh. Nổi bật là tỉnh đã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng công nghệ mới, giống mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển các loại cây công nghiệp với quy mô diện tích lớn ở những vùng có điều kiện. Tỉnh đã xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu; cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản; thực hiện chuyên môn hóa mạnh mẽ; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đặc biệt, những mô hình như đưa cây ăn quả lên sườn dốc thật sự là cách làm đột phá đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La, giúp cơ cấu lại cây trồng, mở rộng quy mô trồng trọt, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định với sự cố gắng bền bỉ, nỗ lực to lớn, không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới, chỉ trong một thời gian không dài, nền nông nghiệp Sơn La đã phát triển khá toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, giảm nghèo nhanh, đời sống thực tế của người dân được nâng cao rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, khí hậu và con người để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đa ngành, đa canh với nhiều loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây, sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản ở Sơn La đã trở thành xu hướng tất yếu, bước đầu đã có hiệu quả hơn so với hình thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. 

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội thảo. 

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; định hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã vùng III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 113.000 ha cây lâu năm, trong đó có 84.000 ha cây ăn quả; sản lượng quả năm 2022 đạt 436.956 tấn; đã tiêu thụ 291.072 tấn, giá trị đạt 3.572 tỷ đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 8,7 triệu con gia súc, gia cầm; sản lượng thịt hơi đạt trên 58,3 nghìn tấn; sản lượng sữa tươi đạt trên 75,7 nghìn tấn. Tỉnh có 2.960 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và trên 7.288 lồng nuôi trồng thủy sản; sản lượng thủy sản đạt trên 6.800 tấn. Ngoài ra, đến nay, toàn tỉnh có 240 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865,45 ha cây ăn quả và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm nông sản của Sơn La đã được đưa lên 35 sàn thương mại điện tử, đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước, vùng lãnh thổ; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 83 sản phẩm OCOP. Tỉnh hiện có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản; 744 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Sơn La đã thu hút được các doanh nghiệp lớn quan đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả…

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ và khẳng định, việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La là yêu cầu cấp thiết, hướng đi đúng đắn của địa phương trong bối cảnh mới hiện nay. Cũng theo các đại biểu, để nâng cao hiệu quả phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, địa phương cần xây dựng và phát triển sản phẩm nông sản theo hướng đa dạng, độc đáo, nâng cao chất lượng sản phẩm, xác định rõ sản phẩm chủ lực; phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo hướng liên kết, ổn định về chất lượng và đảm bảo. Sơn La cần đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, trọng tâm là phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sơn La cần xác định định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả theo hướng nông nghiệp xanh, giảm phát thải, nông nghiệp sinh thái. Tỉnh cần đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, cung cấp tốt nguyên liệu cho các nhà máy chế biến...

Tin, ảnh: Nguyễn Cường (TTXVN)
Kết nối tiêu thụ nông sản hữu cơ, giúp hội viên phụ nữ vượt khó
Kết nối tiêu thụ nông sản hữu cơ, giúp hội viên phụ nữ vượt khó

“Gian hàng kết nối bình ổn giá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch” hỗ trợ đầu ra ổn định cho sản phẩm do chính phụ nữ khởi nghiệp làm ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã mang lại hiệu quả. Gian hàng được hình thành nhằm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, kết nối, trưng bày, giới thiệu, buôn bán các sản phẩm khởi nghiệp từ chính cán bộ, hội viên phụ nữ làm ra, đem đến ký gửi, bày bán tại gian hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN