Phát triển siêu đô thị TP Hồ Chí Minh

Theo định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, thành phố sẽ là đô thị năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững; là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao; đồng thời là trung tâm văn hóa, đào tạo, y tế chất lượng cao; là vùng có cảnh quan và môi trường tốt.


Một góc khu vực cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh).
Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Tuy nhiên, với dân số hơn 7 triệu người, TP Hồ Chí Minh đang trong tình trạng quá tải. Đối phó với nguy cơ trên, thành phố xác định sẽ gắn kết với vùng đô thị TP Hồ Chí Minh (gồm TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh là Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang); đồng thời mở rộng phát triển theo bốn hướng, xây dựng các khu đô thị vệ tinh. Mô hình phát triển vùng TP Hồ Chí Minh theo hình thức tập trung - đa cực với vùng trung tâm bán kính 15 km và 4 cực phát triển.


Vùng trung tâm bao gồm: đô thị hạt nhân TP Hồ Chí Minh, các đô thị vệ tinh độc lập được xác định bán kính 30 km từ trung tâm đô thị hạt nhân TP Hồ Chí Minh (bao gồm TP Biên Hòa, TP Thủ Dầu Một), các đô thị vệ tinh phụ thuộc (đô thị mới Nhơn Trạch, đô thị mới Tam Phước (đô thị mới sân bay), và các đô thị mới: Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Long Thành, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè; Cần Giờ, Dĩ An - Thuận An và các đô thị vùng phụ cận (bao gồm các đô thị loại 3 - 4 ở phía ngoài vành đai 3 như: Dầu Giây, Vĩnh Cửu, Tân Uyên, Mỹ Phước, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc).


Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện cấu trúc không gian đô thị của thành phố chưa hợp lý, diện tích đất dành cho công trình công cộng chưa nhiều. Vẫn còn tồn tại tình trạng xây dựng tự phát, phát triển theo kiểu “vết dầu loang” trên những khu đất nông nghiệp cũng như dọc các tuyến giao thông chính.


Điều này khiến việc định hướng phát triển theo mô hình đô thị vệ tinh chưa đạt yêu cầu. Điển hình là việc phát triển nhà ở đang gặp phải một số hạn chế là phân tán, rải rác, chủ yếu ở khu vực phía đông (quận 2, 9, Thủ Đức), phía nam (quận 7, huyện Nhà Bè), phía tây (quận Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh) và ngay cả trong khu nội thành cũ như quận 6, Bình Thạnh...


Trong tổng số 130 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố được Sở Xây dựng phê duyệt, có đến 63 dự án tại khu nội thành hiện hữu, tương đương số lượng dự án ở khu vực đô thị mới.


Dự báo, đến năm 2020 TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 10 triệu dân (hiện nay trên 7 triệu người) và sẽ là một siêu đô thị. Do vậy, để đảm bảo TP Hồ Chí Minh là một đô thị hiện đại, có không gian sống tốt, cần khắc phục những vấn nạn đô thị trong tương lai, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phải có tầm nhìn xa. Bởi trước đây, khi quy hoạch khu vực nội thành cơ quan chức năng đã tính toán hạ tầng chỉ đáp ứng cho một lượng người nhất định. Nếu tập trung phát triển trong khu vực nội thành quá nhiều sẽ làm khu vực này quá tải, giao thông bị tắc nghẽn.


Vì thế, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần xây dựng các khu đô thị liên hợp vừa là nơi ở, vừa là nơi người dân làm việc, hạn chế việc đi lại gây tắc nghẽn giao thông.


Theo dự thảo của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cùng với sự quy hoạch mở rộng phát triển các vùng đô thị lân cận, đến năm 2020 thành phố dự kiến phấn đấu chỉ tiêu đất xây dựng đô thị bình quân 80 - 100 m2/người, trong đó đất dân dụng bình quân 55 - 65 m2/người, còn lại là đất cho cây xanh, giao thông, công trình công cộng... Tổng nhu cầu đất xây dựng đến năm 2020 lên đến khoảng 100.000ha.


Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh xác định việc phát triển thành phố sẽ theo hướng đa trung tâm, phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh và lấy trung tâm hiện hữu mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm chính.


Các khu đô thị khác được xác định theo bốn hướng. Cụ thể, hướng phát triển về Đông Bắc gắn với huyện Dĩ An (Bình Dương) và TP Biên Hòa (Đồng Nai), gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây được xem là hướng cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc, đồng thời cũng là hướng phát triển chính với khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trung tâm mới gắn liền trung tâm hiện hữu là quận 1, 3. Chính vì vậy khu đô thị mới này sẽ được ưu tiên đáng kể trong việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật với các dự án lớn đã và đang thực hiện: hầm, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, Đại lộ đông - Tây...


Một hướng chính khác là phát triển về phía Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Nhơn Trạch - Long Thành (Đồng Nai). Đây có thể nói là địa bàn có nhiều lợi thế là đất đai rộng nhưng hạ tầng đô thị còn thiếu. Riêng Cần Giờ cách xa khu trung tâm thành phố hàng chục cây số đang có dự án khu đô thị du lịch sinh thái lấn biển với quy mô hơn 850 ha. Còn ở Nhà Bè, dự án khu đô thị - công nghiệp cảng Hiệp Phước cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với 2.000 ha và sẽ trở thành khu vực gắn giữa phát triển du lịch với phát triển đô thị của TP.


Hướng phát triển thứ ba là Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 - trục xuyên Á nối với tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Dù được xem là hướng phát triển phụ nhưng địa bàn này có vị trí rất thuận lợi và dễ dàng tiếp cận với Bình Dương, Tây Ninh, Long An cũng như các tỉnh khác của miền Đông và miền Tây. Đây cũng là một trong những cửa ngõ của thành phố nên thời gian qua TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hạ tầng giao thông khá nhiều cho khu vực này như đường Trường Chinh, tuyến xuyên Á.


Hướng còn lại là Tây Nam dọc quốc lộ 1 trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. So với các khu vực khác, tốc độ đô thị hóa tại đây diễn ra rất nhanh.



Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN