Phòng ngừa và ngăn chặn kinh doanh đa cấp bất chính

Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính…

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Kinh doanh thương phương thức đa cấp tại Việt Nam - Giải pháp phát triển minh bạch và bền vững” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 5/1/2024.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam giải pháp phát triển minh bạch và bền vững” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 5/1, ông  Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị trường từ những năm đầu thế kỷ XXI. Đến thời điểm cuối năm 2004, đã có khoảng 20 công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

“Để hòa nhập với xu hướng chung của thế giới cũng như đáp ứng tình hình thực tế tại Việt Nam, hành lang pháp lý về kinh doanh đa cấp đã dần được hình thành”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, do các quy định và chế tài quản lý còn khá lỏng lẻo và nhiều kẽ hở nên loại hình kinh doanh đa cấp đã phát triển và biến tướng theo một chiều hướng rất xấu. Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này để trục lợi, làm trái các quy định của pháp luật Việt Nam và lôi kéo nhiều người dân tham gia. Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong nhân dân.

Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng này, từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã buộc phải tiến hành thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng.

“Có thể khẳng định, mặc dù được pháp luật công nhận nhưng do một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp làm ăn chụp giật, lừa đảo, gây nên sự mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh đa cấp và các doanh nghiệp chân chính, dẫn đến tình hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.

Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, ngày 12/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cùng các Bộ ngành liên quan, về cơ bản hoạt động bán hàng đa cấp những năm qua đã đi vào ổn định, hiệu quả, số lượng các vụ việc vi phạm đã được giảm đáng kể, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

“Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phản đối những hoạt động kinh doanh trái phép, những hành vi lừa đảo chụp giật hòng lừa dối người tiêu dùng. VCCI luôn đề cao việc kinh doanh lành mạnh, có văn hóa và thượng tôn pháp luật… Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, tạo sự minh bạch và bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn đa cấp bất chính”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, kinh doanh theo phương thức đa cấp là loại hình kinh doanh có điều kiện, được cấp phép và là miếng ghép quan trọng trong hệ thống kinh tế thị trường. Trong khi hình thức phân phối truyền thống đưa sản phẩm hàng hóa từ nhà máy đến người tiêu dùng có khoản chi phí lưu thông cho các cửa hàng, siêu thị thì ở hình kinh doanh theo phương thức đa cấp, chi phí lưu thông được chia sẻ lợi ích cho những người tham gia mạng lưới, hệ thống. Nhận thức rõ nội dung của vấn đề này, kinh doanh theo phương thức đa cấp không hề xấu.

Tuy nhiên, kinh doanh đa cấp có vấn đề khi nảy sinh một số bất cập như người bán hàng thông tin không đúng về sản phẩm, bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng với giá cao… đồng thời tạo xu hướng tiêu dùng quá mức. Không quản lý tốt hình thức kinh doanh này sẽ gây hệ luỵ cho cộng đồng, xã hội.

Để giải quyết bất cập trên, TS. Tú Anh cho rằng, cần minh bạch khái niệm đa cấp theo hướng dễ nhận diện để doanh nghiệp, người dân cùng hiểu. Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin, giá bán cuối cùng của sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân và cộng đồng hiểu rõ. Thời gian qua, sự vào cuộc của doanh nghiệp hơi chậm khiến cho không ít người vẫn đang nhận diện đa cấp là xấu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có thể số hoá toàn bộ hệ thống hướng đến xây dựng ngành kinh doanh văn minh. Để chống những hình thức kinh doanh đa cấp trá hình, không thể chỉ dựa cơ quan quản lý, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cần phát huy hiệu quả hơn vai trò bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh chân chính, phát hiện doanh nghiệp có hành vi trục lợi để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý; đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị để cảnh báo, ngăn chặn và tăng cường tuyên truyền.

Nội dung này cũng được ông Võ Đan Mạch - Tổng thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam nhấn mạnh. Hiện nay, Bộ Công Thương cấp phép hoạt động cho 20 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Các quy định pháp luật điều chỉnh hành vi kinh doanh này ngày càng chặt chẽ, nghiêm ngặt, đảm bảo cho các doanh nghiệp và hiệp hội hoạt động lành mạnh, minh bạch và ổn định. Doanh thu của ngành năm 2022- 2023 tiệm cận khoảng 1 tỷ USD.

Theo ông Võ Đại Mạch, ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực, trong đó Điều 36 quy định bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng trực tiếp. Quy định này đã tiệm cận quan điểm và xu thế phát triển của thế giới, tạo vị thế và vai trò tốt hơn cho doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay tồn tại nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, sử dụng sản phẩm hàng hoá không đảm bảo chất lượng là công cụ để thực hiện hoạt động bất chính. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn đang đánh đồng doanh nghiệp được cấp phép, tuân thủ pháp luật tốt với doanh nghiệp làm ăn có dấu hiệu lừa đảo, chụp giật… ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung cũng như gây ra nhiều định kiến xã hội không tốt cho ngành.

Ông Võ Đan Mạch - đại diện Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam mong muốn có sự phối hợp giữa Hiệp hội với các cơ quan chức năng để nhận diện, thông báo, phát hiện, xử lý các vi phạm trong kinh doanh sản phẩm đa cấp chưa được cấp phép đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và bền vững cho doanh nghiệp chân chính, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm và trục lợi.

Thu Trang/Báo Tin tức
Kinh doanh đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, sinh viên dễ bị dính 'bẫy'
Kinh doanh đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, sinh viên dễ bị dính 'bẫy'

Ngày 27/11 tại Hội nghị tập huấn về “Nhận diện các hành vi bán hàng đa cấp bất chính” do trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF) phối hợp với Uỷ ban cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức, ThS. Bùi Quang Đông, Trưởng Phòng Công tác sinh viên UEF cho biết, các hoạt động kinh doanh đa cấp ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN