Sẽ thành lập Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo ĐBSCL tại An Giang

Ngày 27/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và UBND tỉnh An Giang ký thoả thuận hợp tác về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2023 - 2025.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ ký kết. Ảnh: TTXVN phát

Thỏa thuận hợp tác giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và UBND tỉnh An Giang nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Theo thoả thuận hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tư vấn, hỗ trợ An Giang xây dựng dự án chuỗi hợp tác xã; chủ trì xây dựng Đề án Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trình Chính phủ; phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các sở ngành có liên quan xúc tiến thành lập thí điểm Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long trụ sở đặt tại tỉnh An Giang sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền….

Thoả thuận hợp tác giữa 2 bên đặt ra mục tiêu đến năm 2025, An Giang sẽ thành lập mới trung bình 28 - 33 hợp tác xã/năm; hình thành 1 Liên hiệp hợp tác xã rau màu gắn với chuỗi giá trị Antesco; thành lập 1 Liên đoàn Hợp tác xã lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long trụ sở đặt tại tỉnh An Giang.

Hằng năm, An Giang sẽ xây dựng 1 - 2 chương trình, dự án về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng 6 cửa hàng tiện ích; 100% cán bộ, người lao động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang được đào tạo, đào tạo lại theo kiến thức phù hợp với vị trí việc làm, nhiệm vụ được giao.

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, những năm qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển, trọng tâm là hợp tác xã nông nghiệp cũng như các liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. 

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn An Giang ngày càng thể hiện rõ vai trò nồng cốt trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huy hoạch lại sản xuất, cải tạo đồng ruộng, hình thành những vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao hiệu quả sản phẩm trên một đơn vị diện tích cho nông dân. 

“Tại An Giang đã xuất hiện một số mô hình liên kết giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác, góp phần giải quyết tốt vấn đề sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro từ chi phí đầu vào tăng, nguồn lao động thiếu, quy trình sản xuất chưa áp dụng đúng và triệt để, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu thị trường giảm, năng lực quản lý điều hành của hợp tác xã còn hạn chế… đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế tập thể, hợp tác xã”, ông Thư cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, xuất phát từ thực trạng nêu trên, việc Ký kết hợp tác giữa Liên minh Hợp tác xã  Việt Nam và UBND tỉnh An Giang về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết. Bởi dư địa để các mục tiêu, nội dung phối hợp trong thời gian tới đạt được là rất khả thi.

Thanh Sang (TTXVN)
Dấu hiệu tích cực cho ngành lúa gạo Việt Nam
Dấu hiệu tích cực cho ngành lúa gạo Việt Nam

Theo thống kê hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong quý I/2023 đạt hơn 900 triệu USD với hơn 1,7 triệu tấn gạo, tăng hơn 19% về lượng và tăng hơn 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là dấu hiệu tích cực của ngành lúa gạo Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN