Tăng năng lực cho doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại

Diễn biến phức tạp từ kinh tế thế giới khiến nhiều nước nhập khẩu sử dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Cùng đó, hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia bắt đầu thực thi đã dẫn đến chiều hướng gia tăng các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Để nhìn nhận lại thực trạng và bàn luận giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) về biện pháp của Bộ Công Thương trong hoạt động ngoại thương khi các quốc gia sử dụng giải pháp phòng vệ thương mại.

Chú thích ảnh
Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn phát biểu tại một hội thảo. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Thời gian qua, số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gia tăng nhanh. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? 

Tính đến hết tháng 6 năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 231 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Một số nguyên nhân chính dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam trong những năm gần đây.

Đầu tiên, việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đồng nghĩa với các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng đang trên đà tăng trưởng mạnh. Điều này làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên nhiều thị trường nước ngoài. Mặt khác, gây áp lực cho doanh nghiệp trong nước tại thị trường nhập khẩu, buộc Chính phủ của họ phải sử dụng công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước; trong đó,có các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép.

Cùng đó, tác động của dịch COVID-19 và tình hình chính trị phức tạp trên thế giới đã tác động đến các nền kinh tế khiến nhiều ngành sản xuất tại các quốc gia phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân lực trong khi thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp. Điều này buộc các quốc gia phải tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. 

Hơn nữa, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ... là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các nước này. 

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. 

Để tránh bị áp thuế, doanh nghiệp phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của cơ quan điều tra nước ngoài. Từ đó, sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.    

Với tiến trình hội nhập của nền kinh tế, theo ông các xu thế về phòng vệ thương mại cũng như nguy cơ, thách thức từ biện pháp này đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến ra sao?

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với các xu hướng điều tra phòng vệ thương mại qua việc số lượng các vụ việc gia tăng nhanh chóng. Nếu trong giai đoạn 2001 - 2011, Việt Nam chỉ có 50 vụ nhưng tới giai đoạn 2012 - 2022 có đến 172 vụ, tăng gần 3,5 lần; trong đó, các vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại chiếm đa số.  

Riêng trong năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm hơn 30% tổng số vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với Việt Nam từ trước tới nay). Ngoài ra, số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh hay Mexico cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi các FTA dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.

Đáng lưu ý, sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập...

Phạm vi điều tra ngày càng mở rộng gồm cả các nội dung mới như: điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ điều tra chống trợ cấp... 

Đặc biệt, xu hướng điều tra khắt khe như yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá e dè và né tránh trong việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Sau hơn 20 năm hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế, nhận thức của doanh nghiệp trong nước về công cụ phòng vệ thương mại nói riêng và chính sách thương mại quốc tế nói chung đã có những thay đổi mạnh mẽ. 

Thực tế, thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập WTO, nội dung phòng vệ thương mại còn rất mới đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. 

Theo khảo sát năm 2013 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với cộng đồng doanh nghiệp về công cụ phòng vệ thương mại cho thấy, sự nhận thức còn rất hạn chế. Điều này thể hiện qua việc có đến 15% doanh nghiệp được hỏi không biết về phòng vệ thương mại, 64% có nghe về biện pháp này nhưng không hiểu là gì.

Bên cạnh đó, chỉ có gần 20% doanh nghiệp có tìm hiểu qua về biện pháp phòng vệ thương mại và chỉ có 1,89% đã tìm hiểu kỹ về biện pháp này do bên liên quan trong một vụ việc điều tra của nước ngoài. 

Tuy nhiên, thông qua tuyên truyền, đào tạo của Bộ Công Thương và nhất là sự tham gia chủ động, tích cực của doanh nghiệp vào các vụ việc phòng vệ thương mại, theo khảo sát gần nhất Cục Phòng vệ thương mại tiến hành năm 2019 để tìm hiểu về mức độ nhận thức của doanh nghiệp về  đã cho thấy có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, chỉ có 11% doanh nghiệp được hỏi là không biết về biện pháp phòng vệ thương mại, 36% có nghe nhưng không biết sâu, 36% đã tìm hiểu qua và 17% đã tìm hiểu rất kỹ. 

Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể về mức độ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, thế nhưng, mức độ hiểu biết nói chung của các doanh nghiệp về phòng vệ thương mại còn hạn chế. Đáng lưu ý, việc này còn hạn chế hơn ở cấp độ ngành nghề cụ thể nên đã ảnh hưởng tới việc hợp tác, phối hợp cung cấp thông tin khi xây dựng hồ sơ đề nghị điều tra.

Các biện pháp phòng vệ thương mại là để bảo vệ lợi ích hợp pháp của một ngành, lĩnh vực cụ thể. Do đó, để áp dụng được biện pháp này cần phải có sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp trong ngành nhằm đảm bảo yêu cầu về quy định pháp lý, tính đại diện khi nộp hồ sơ, tính đại diện của ngành sản xuất trong nước…

Vây, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các biện pháp gì để phát huy vai trò của phòng vệ thương mại?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến phương thức tổ chức sản xuất để có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu ngay trên chính thị trường trong nước. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng luôn theo sát và thực hiện các hoạt động phòng vệ thương mại trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế. 

Cụ thể, Bộ Công Thương đang triển khai Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, tập trung vào các hoạt động tăng cường thông tin, kiến thức về các biện pháp phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước. 

Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng đã và đang phối hợp với các hiệp hội, đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, nhập khẩu để kịp thời có biện pháp phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nền các ngành sản xuất trong nước. 

Đối với các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiến hành một cách công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đảm bảo ý kiến của tất cả các bên có lợi ích liên quan đều được lắng nghe, đưa ra những kết luận phản ánh chính xác nhất thực tế nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Uyên Hương/TTXVN (Thực hiện)
Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong điều tra phòng vệ thương mại
Anh sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong điều tra phòng vệ thương mại

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), quốc gia này sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN