Thả hàng triệu con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thông ngành thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024), ngày 1/4, các địa phương đã thả hàng triệu con giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Chú thích ảnh
Sóc Trăng thả 2 triệu con tôm sú giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh Tuấn Phi/TTXVN

Theo đó, tại Cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và UBND huyện Trần Đề tổ chức thả 2 triệu con tôm sú giống xuống Cửa biển Trần Đề tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam khẳng định, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản được tỉnh triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc khôi phục nguồn lợi thủy sản, gia tăng mật độ quần thể các loài thủy sản đã bị khai thác trong thời gian qua. Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh sẽ tổ chức 3 đợt thả giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức xã hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay tham gia bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản và khai thác thủy sản đúng theo quy định. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục phối hợp với sở ngành, địa phương và các tổ chức cá nhân duy trì hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản.
 
Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có 72 km bờ biển cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn lợi thủy sản phong phú, với nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngành thủy sản của tỉnh đang đối diện với nhiều thách thức, như nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh do tác động của biến đổi khí hậu, một số ngư dân khai thác chưa đúng quy định…; do đó, việc tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên hiện nay rất cấp thiết đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn thể ngư dân cùng chung tay thực hiện.

Cũng nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao 20 suất học bổng mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho con em của ngư dân (ở Cảng cá Trần Đề) có hoàn cảnh khó khăn.

Chú thích ảnh
Nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành cùng nhà nước trong hoạt động tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Trong khi đó, tại Bến Ninh Kiều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ phối hợp với UBND quận Ninh Kiều, các tổ chức, cá nhân thực hiện thả 60.000 con cá giống các loại về thiên nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thuộc lưu vực sông Mekong với hệ thống kênh rạch chằng chịt, thành phố Cần Thơ có đa dạng nguồn lợi thủy sản: 120 loài cá, 14 loài tôm... Thời gian qua, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế đã được khai thác nuôi trồng như: cá lóc, thát lát, lươn, cá trê, cá hộ... với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 220.000 tấn.

Tuy nhiên, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tận diệt, ô nhiễm, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nhiều loài thủy sản bản địa quý hiểm có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng hoặc biến mất trong tự nhiên như cá hường vện, cá chạch lửa, cá chành dục, cá leo...

Nhằm từng bước ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Phạm Trường Yên cho biết, công tác tái tạo, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường luôn được thành phố Cần Thơ quan tâm. Trong những năm qua, cùng với sự phối hợp, ủng hộ tự nguyện và nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, phong trào thả cá ra môi trường tự nhiên ở Cần Thơ ngày càng lớn mạnh. Khởi điểm từ năm 2013, trên địa bàn thành phố chỉ có 2 điểm thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản với số lượng 500 kg cá giống. Vài năm gần đây, hoạt động này đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn 9 quận, huyện với lượng cá giống thả mỗi năm trên 10 tấn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành cùng nhà nước trong hoạt động tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Song song với việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, công tác bảo vệ môi trường sống cho các loài thủy sinh cũng được ngành thủy sản Cần Thơ quan tâm. Ông Dương Hoàng Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho biết, hằng năm, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng ở các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp dùng xung điện, cào điện để đánh bắt thủy sản.

Nhận định bảo vệ môi trường thủy sinh cũng là bảo vệ đời sống của thủy sinh vật, ông Dương Hoàng Thắng kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục chung tay ngăn chặn các hoạt động gây ở nhiễm nguồn nước, hoạt động khai thác nguồn lợi có tính hủy diệt (sử dụng xung điện, hóa chất, ngư cụ cấm, kích thước mắt lưới nhỏ).

Dịp này, các quận, huyện ở Cần Thơ cũng tổ chức 7 điểm thả cá với các loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế, cá bản địa tại địa phương với tổng số lượng cá thả khoảng 250.000 con cá giống các loại. Ngoài ra, thành phố còn phối hợp với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp thả cá liên tỉnh.

Hưởng ứng hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trước đó, ngày 10/3 tại Quảng trường Tây Đô (quận Cái Răng), Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị, cá nhân tổ chức thả 50 tấn cá (khoảng 1 triệu con) tái nguồn lợi thủy sản; ngày 27/3, quận Bình Thủy cũng tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi vào với lượng cá trên 500 kg...

Việc thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cùng chung tay bảo vệ, bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, là dịp để tuyên truyền, nâng cao ý nghĩa, nhận thức, trách nhiệm trong tái tạo, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tuấn Phi - Thu Hiền (TTXVN)
Bình Thuận thả hơn 660.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
Bình Thuận thả hơn 660.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Sáng 30/3, tại Hồ thủy lợi Sông Lũy, thuộc huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN