Thí điểm di dời nhà máy đầu tiên ở khu công nghiệp lâu đời nhất Bình Dương

Tỉnh Bình Dương thực hiện Đề án di dời các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc của tỉnh. Theo đó, Công ty TNHH Sung Hyun Vina vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hàng chục năm qua với 3 nhà máy sản xuất các mặt hàng xuất khẩu gồm may mặc đang sử dụng hơn 2.000 lao động tại Khu công nghiệp Bình Đường - khu công nghiệp lâu đời nhất tỉnh Bình Dương được chọn thí điểm di dời đầu tiên.

Chú thích ảnh
Một góc khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: Chí Tưởng/TTXVN

Tuy nhiên, để đảm bảo rằng quá trình di dời diễn ra thuận lợi, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tỉnh sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ, bao gồm chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ tài chính và các biện pháp giảm nhẹ tác động đến người lao động…

Cụ thể, Khu công nghiệp Bình Đường, nằm tại phường An Bình, thành phố Dĩ An được thành lập từ năm 1993 với quy mô 16,5 ha do Tổng công ty Thương mại, Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp này đang có 11 doanh nghiệp, gồm 5 doanh nghiệp thuê đất và 6 doanh nghiệp thuê nhà xưởng.

Mới đây, trong chuyến khảo sát tại Khu công nghiệp Bình Đường và thăm nhà máy Sung Hyun Vina, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi, nhấn mạnh rằng việc di dời nhà máy là cần thiết nhưng cũng cần phải thực hiện thận trọng và khoa học nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa của doanh nghiệp, người lao động cũng như chính quyền địa phương.

Nằm trong kế hoạch di dời gần 2.900 nhà máy, doanh nghiệp ở các địa bàn của các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và thành phố Tân Uyên. Quá trình di dời sẽ thực hiện từ năm 2024 đến cuối năm 2030. Để đảm bảo quá trình di dời diễn ra thuận lợi và mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động, tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Chính sách hỗ trợ cho người lao động bao gồm: hỗ trợ trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất; chi trả trợ cấp mất việc cho những người lao động phải nghỉ việc do di dời; hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân tại địa điểm mới; chính sách bảo hiểm xã hội và hỗ trợ nhà ở xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng.

Đối với các doanh nghiệp cần di dời, ngân sách tỉnh Bình Dương sẽ hỗ trợ từ nguồn khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại, ưu đãi đầu tư cho các dự án trong khu công nghiệp, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ vay vốn, và hỗ trợ tiền thuê đất và nhà xưởng tại địa điểm mới.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ khác như: hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng và nhà xưởng, chính sách về nợ và giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ lãi vay cho việc xây dựng cơ sở sản xuất mới, và hỗ trợ phí và lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Mục tiêu quan trọng thực hiện chương trình di dời và chuyển đổi công năng của các doanh nghiệp sản xuất vào các khu công nghiệp quy mô lớn, không chỉ nhằm giảm ô nhiễm môi trường và tiếng ồn trong khu dân cư mà còn góp phần điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh Bình Dương.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Khuyến khích phát triển điện mặt trời tại nhà dân, cơ quan, khu công nghiệp
Khuyến khích phát triển điện mặt trời tại nhà dân, cơ quan, khu công nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 165/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN